Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Hầu đồng - chênh vênh giữa mê và tỉnh

Thứ sáu 25/02/2011 09:32

Lên đồng được đánh giá là một bảo tàng sống động, đây cũng là điều được thể hiện hội thảo ngày 23.2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) với chủ đề “Lên đồng - bảo tàng sống của văn hóa Việt”.

Tại hội thảo, GS Ngô Đức Thịnh cùng với những giá đồng được phân tích đã xóa bỏ nhiều quan niệm lầm tưởng và định kiến về lên đồng, vốn chênh vênh giữa văn hóa và dị đoan, đồng mê và đồng tỉnh.

Đồng “tỉnh”, đồng “mê” làm hại đồng “văn hoá”?

Trong một lần trò chuyện, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng: “Về hình thức, hầu đồng chỉ có ý nghĩa nếu người hầu đồng thật sự đạt tới trạng thái yoga tinh thần một cách cao siêu. Có nghĩa, khi đó họ sẽ quên hết thực tại và bắt đầu tiếp cận được những bồng bềnh ảo ảnh thực hư, ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Nếu không có điều ấy thì hầu đồng chỉ là một hình thức diễn xướng mà thôi”. “Để phân biệt điều ấy, dân gian vẫn gọi vui bằng các khái niệm “đồng tỉnh” và “đồng mê”. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm, hầu đồng không được tán thành. Có những con đồng tổ chức hầu đồng “chui” tại nhà; đang say sưa lên đồng, nhưng cơ quan kiểm tra bước vào thì vẫn biết bỏ điện thờ chạy té tát. Như vậy là “đồng tỉnh” đấy. Và “đồng tỉnh”, tôi cho rằng không có giá trị” - nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền phân tích.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, còn có nhiều người tuy không có căn cốt đồng, nhưng cũng đua đòi lên đồng. Dân gian thường gọi những người này là “đồng đua”. Chính vì những đua đòi hay “giả say ăn tiền” ấy mà lên đồng đang phải chịu nhiều thành kiến. Trong khi đó, nghi lễ này lại mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Theo GS Ngô Đức Thịnh, hầu đồng là một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác ông đồng, bà đồng, là sự tái sinh hình ảnh các vị thánh. Những người hầu đồng được cho là có khả năng tiếp xúc với thần linh, người dân tham gia hầu đồng với niềm tin rằng họ được tiếp xúc với thần linh để cầu mong tài lộc và sức khoẻ.

Chưa kể, là một nghi lễ tổng hợp, hầu đồng tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết từ bao đời nay. Chẳng hạn, về âm nhạc, hầu đồng đã sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn. Về vũ đạo, riêng nghiên cứu trong hầu đồng, đã có hàng chục điệu múa: Múa kiếm, long đao, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa, dệt gấm... rất mềm mại đề cao nữ tính. Đạo Mẫu và hầu đồng cũng để lại những giá trị mỹ thuật qua hệ thống trang trí tượng thờ, tranh thờ; di sản kiến trúc qua hệ thống đền phủ; các hình thức trình diễn dân gian qua lễ hội...

Lạc quan, “tiên tiến” như lên đồng

Là nghi thức tôn giáo của đạo Mẫu - lên đồng chịu ảnh hưởng của quan niệm không hướng con người về cuộc sống sau khi chết, mà là chính cuộc sống hiện tại. Đây chính là nhân sinh quan rất tiến bộ của người Việt Nam. Chưa kể, đạo Mẫu với nghi thức lên đồng còn rất “tiên tiến, hiện đại” ở chỗ tôn thờ tự nhiên, tôn thờ các yếu tố trời - đất - nước. “Trong thời đại con người đang xâm phạm, tàn phá môi trường thì đây là những triết lý sống rất có ý nghĩa. Thế giới quan của đạo Mẫu có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn dân tộc và toàn nhân loại đang hành động để bảo vệ tự nhiên” - GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ. Ngoài những vị thần cực kỳ “môi trường” như thần cai quản trời-biển-đất-sông-núi, đạo Mẫu còn có những vị thần được lịch sử hóa từ các nhân vật lịch sử có thật như Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Đức thánh Trần. “Lên đồng là một minh chứng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được tâm linh hóa. Đây cũng là ý nghĩa của các lễ hội có lên đồng. Nhân dân có một cuốn sách lịch sử chính là những lễ hội, hằng năm họ mở ra, qua lễ hội để tìm hiểu lịch sử” - GS Thịnh khẳng định.

“Chính vì có hai phe quan niệm về lên đồng như thế nên những câu chuyện về lên đồng luôn có sức hấp dẫn. Nếu một bên rất tin thì bên kia vô cùng nghi ngờ, thậm chí thành kiến” - TS xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định.

“Bằng chứng rất rõ là trong buổi thuyết trình, có biểu diễn lên đồng ngày 23.2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp Espace, số người tới dự đông đến mức hội trường của trung tâm này đã không thể đủ chỗ” - TS Bình phân tích. “Tuy việc đến xem của họ có nguyên do khác nhau, người vì tin tưởng và muốn diện kiến, người vì chưa tin và tò mò đến xem thử, song có một điều là đời sống tâm linh đã khẳng định được vị trí trong cuộc sống”.

Lên đồng, dăm quả táo hay tiền triệu

Một trong những điều chưa chuẩn về mặt văn hóa trong nhận thức về lên đồng chính là chuyện đã lên đồng bao giờ cũng tốn kém. Trên thực tế, có những giá đồng với quần áo may đẹp đẽ, cầu kỳ và tốn kém lên tới cả trăm triệu đồng. Trang phục hầu đồng phong phú đến mức, GS Thịnh cho biết từng có cả luận văn tiến sĩ nghiên cứu về vấn đề này. Nhưng, ông cũng cho hay, trước đây chỉ cần chiếc khăn đỏ đã có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ cần vài trái táo tượng trưng. Song, tới giờ, đã có những giá đồng chỉ riêng tiền phát lộc đã hàng chục triệu. Xu hướng “vật chất hóa” này cũng khiến hầu đồng dễ bị định kiến là hoang phí. Chính vì thế, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, là một di sản văn hóa dân tộc, hầu đồng nên được gạn đục khơi trong để giữ gìn. “Tôi muốn nói đến một câu chuyện. Trong đó, có làng tìm được một đứa trẻ lấm lem giữa cánh đồng và đưa về làng. Dân làng có người không chấp nhận đứa trẻ vì nó quá lấm bẩn, có người bàn nên lấy nước tắm rửa cho đứa trẻ và giữ nó ở lại làng” - ông ví von.

Tuy nhiên, việc “tắm rửa” theo ông cũng phải có phương pháp, khoa học. Chẳng hạn, hát văn hiện đang được nhiều nghệ sĩ chèo, cải lương hát để mưu sinh. Chính vì thế, nhiều yếu tố ngoại lai đang đang xem vào loại hình hát này. Bởi vậy, việc dạy - học hát văn cũng cần được “chuyên nghiệp hóa” bằng các lớp truyền dạy hát văn do các nghệ nhân hát văn thực hiện.

Về việc đề nghị UNESCO công nhận lên đồng là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, trong buổi hội thảo, GS Thịnh nêu quan điểm: “Hiện nay, chúng tôi cho rằng chưa nên vì chính bản thân chúng ta còn có những quan niệm khác nhau về hoạt động tín ngưỡng này. Tôi muốn qua buổi hội thảo này kêu gọi những người theo đạo Mẫu hãy tự chấn chỉnh ngôi nhà đạo Mẫu, để mọi người trong nước nhìn vào đó để thấy những điều tốt đẹp. Khi đó thì thế giới chắc chắn sẽ đánh giá đúng lên đồng và đạo Mẫu của chúng ta”.

Giáo sư - Tiến sĩ Frank Proschan (Mỹ) đã phát biểu trong một cuộc hội thảo về nghi lễ lên đồng của Việt Nam rằng: “Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hoá Việt Nam".

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét