Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Phát hiện chữ Việt cổ ở Quảng Tây




 Bài viết của Hà Văn Thùy :
Ngay trước Tết, có tin mừng, xin chuyển tới bạn đọc niềm vui lớn là đã phát hiện được chữ Việt cổ ở Quang Tây Trung Quốc. Theo tin của Lí Nhĩ Chân đăng trên website  news.xinhuanet.com January 03, 2012 được dịch và công bố trên mạng Việt học và được trang lyhocdongphuong đưa lại như sau


“Hôm trước, Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt - tỉnh Quảng Tây truyền phát tin tức là người Lạc Việt ở Trung Quốc đã sáng tạo chữ viết vào bốn nghìn năm trước, phá bỏ quan niệm tổ tiên của dân tộc Tráng là người Lạc Việt không có chữ viết. Phát hiện chữ viết của người Lạc Việt lần này sẽ viết lại lịch sử chữ viết ở Trung Quốc, chứng minh văn hóa Lạc Việt là một trong những nguồn gốc trọng yếu của văn hóa Trung Hoa.

 Trước thời điểm này, giới sử học Trung Quốc đều cho rằng tổ tiên của dân tộc Tráng không có chữ viết. Hội trưởng Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt là Tạ Thọ Cầu giới thiệu: chuyên gia của Hội nghiên cứu đã thu tập một số lượng lớn chứng cứ chứng thực người Lạc Việt cổ sáng tạo chữ viết biểu ý vào bốn nghìn năm trước. Chữ viết Lạc Việt này có mầm mống vào thời đầu của thời đại đồ đá mới, hình thành vào thời kí đỉnh cao của 'văn hóa xẻng đá lớn' (4000-6000 năm trước), và chắc chắn có nguồn gốc sâu xa với chữ giáp cốt cổ cùng 'chữ Thủy' của dân tộc Thủy.

Tháng 10 năm nay, tại di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang - thị trấn Mã Đầu - huyện Bình Quả - thành phố Bách Sắc, chuyên gia của Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt - tỉnh Quảng Tây phát hiện mấy chục khối mảnh vỡ xẻng đá lớn và tấm đá có khắc đầy chữ viết cổ. Ngày 19 tháng 12, chuyên gia lại đi đến hiện trường tiến hành khảo sát. Nghiên cứu phát hiện, khối đá có chữ viết lớn nhất là dài 103 cm, rộng 55 cm, trên bề mặt khắc đầy mấy trăm tự phù, phần lớn là chữ cúng tế và lời chiêm bốc. Theo thống kê sơ qua, trên những phiến đá này có hơn 1000 tự phù.
Các chuyên gia dựa vào sự phân bố xẻng đá lớn hoàn chỉnh ở bên cạnh phiến đá có khắc chữ mà suy đoán, thời kì xuất hiện của phiến đá có khắc chữ giống nhau với thời kì xẻng đá lớn. Nó cho thấy trước mắt chữ của người Lạc Việt cổ ở di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang là một trong những văn tự hình thành thời xưa được phát hiện ở Trung Quốc.


                                             Một phiến đá khắc chữ Lạc Việt

Theo tin, vào tháng 11 năm ngoái, chuyên gia của Hội nghiên cứu phát hiện đàn cúng tế loại lớn của người Lạc Việt cổ ở trên núi Đại Minh - tỉnh Quảng Tây, trên đàn cúng tế còn phát hiện được phù hiệu và bàn vẽ. Quán trưởng Bác vật quán Quảng Tây, Chủ nhiệm Ủy viên Hội giám định văn vật Quảng Tây là Tưởng Đình Du cho rằng phù hiệu và bàn vẽ này là phù hiệu khắc vẽ cúng tế của người Lạc Việt cổ thời đại đồ đá mới.
Sau đó, chuyên gia của Hội nghiên cứu cũng phát hiện một số lượng lớn phù hiệu chữ viết cổ khắc trên mảnh xương, đồ ngọc, đồ đá tại vùng đất có phân bố di chỉ cúng tế của người Lạc Việt là huyện Vũ Minh, huyện Long An của thành phố Nam Ninh, huyện Điền Đông - thành phố Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây, những phù hiệu (câu bùa) này rõ ràng là một câu đơn hoặc đơn biệt, được chuyên gia cho là chữ viết của thời kì đầu.”

Thật là tin vui lớn nhưng với tôi không quá bất ngờ vì rằng, khi tìm hiểu chữ Việt cổ, tôi đã biết những sự kiện sau:

    1. Văn bản chữ tượng hình của người Việt cổ trên bình gốm tại di chỉ Bán Pha 2, gần thủ phủ Tây An tỉnh Sơn Tây Trung Quốc, có tuổi 12000 năm.
    2. Chữ tượng hình khắc trên yếm rùa tại di chỉ Giả Hồ tình Hà Nam Trung Quốc có tuổi 9000 năm.
    3. Một số chữ tượng hình cổ phát hiện ở Sơn Đông, nơi cư trú trước đây của người Việt cổ
    4. Chữ tượng hình được gọi là chữ Thủy của người Thủy tộc,  một bộ lạc  Việt với 250000 người, hiện sống ở Quý Châu.

Theo lịch sử hình thành dân cư Trung Quốc mới được  phát hiện, thì thời gian này, trên địa bàn Trung Hoa chỉ có người Việt sinh sống, người Hoa Hạ chưa ra đời. chứng tỏ rằng đó là chữ của người Lạc Việt
Điều đáng chú ý là, chữ Bán Pha và Giả Hồ gợi nhớ tới Giáp cốt và Kim văn. Nhờ vậy, khi đối chiếu với Giáp cốt văn, các nhà chuyên môn đã đọc được văn bản trên bình gốm Bán Pha 2.

                                         Một phiến đá khắc chữ Lạc Việt
 
So sánh tự dạng thì thấy chữ Cảm Tang phức tạp hơn chữ tượng hình ở di chỉ Bán Pha 2 và Giả Hồ nhưng lại đơn giản hơn chữ trên Giáp cốt và Kim văn. Điều này cho phép  giả định, hệ thống chữ Lạc Việt có thể bắt đầu từ Bãi đá Sapa đi lên. Do ở thời kỳ sớm nên chữ ở Bán Pha 2 và Giả Hồ còn đơn giản. Do có tuổi muộn hơn nên chữ Cảm Tang đã phức tạp hơn. Phải chăng chữ trên giáp cốt và đồ đồng Ân Khư là sự phát triển sau cùng của chữ tượng hình Lạc Việt. Và phải chăng, sau thời gian này, trên cơ sở Giáp cốt và Kim văn, cộng đồng người Việt và người Hoa trong vương triều Chu cùng các nhà nước kế nhiệm chung tay xây dựng chữ tượng hình Trung Hoa.
Điều này cho thấy Giáp cốt và Kim văn là của người Lạc Việt.

Có thể giải thích việc Giáp cốt và Kim văn tập trung nhiều ở Ân Khư như sau:
Nhà Thương là một dòng Việt sống ở Nam Hoàng Hà nên cũng sở hữu chữ viết tượng hình này. Khi xâm lăng đất của người Lạc Việt ở vùng Sơn Đông ngày nay, đã cướp những văn tự của người Việt ở đây mang về kinh đô của mình, làm phong phú sưu tập chữ Lạc Việt.


        Bản đồ phân bố xẻng đá lớn [www.luoyue.net]

Phát hiện chữ Lạc Việt ở Cảm Tang có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy người Lạc Việt sáng tạo chữ viết trên đất Trung Hoa khoảng 4000 đến 6000 năm trước. Mặt khác, chữ cổ Cảm Tang chứng minh sự liên tục của chữ tượng hình Lạc Việt từ Sa Pa Việt Nam tới nhiều vùng khác nhau trên lục địa Trung Hoa.

                                                                     
Ngày 17. 1. 2012
1. Lê Trọng Khánh. Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình Khoa đẩu (NXB Từ điển bách khoa, 2010)

2. Hà Văn Thùy . Bản thông điệp 12000 năm của tổ tiên người Việt. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=5023


4. Los Angeles Times, September. 29. 1998: “Thành Thang, ông vua đầu tiên của Trung Quốc được ghi nhận có nước da đen bóng. Lão tử triết gia nổi tiếng của Trung Quốc cũng có da đen.” (The Shang, for example, China’s first dynasts are described as having "black and oily skin". The famous Chinese sage Lao-Tze was "black in complexim".
5. Bản tin được dịch và công bố trên mạng Việt học và được trang lyhocdongphuong đưa lại:  (http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/23954-chu-viet-co-o-nam-duong-tu/) :

Có cần phải viết lại tên Bách Việt? 
Ngày 3/3/2012

Ý tưởng “Người Hán vượt Hoàng Hà chiếm đất, đuổi người Việt chạy qua sông Dương Tử, sau đó chế ra chữ Việt bộ Tẩu để nhạo báng kẻ thua trận” không chỉ có ở Tiến sĩ Nguyễn Đại Việt mà từ lâu xuất hiện dai dẳng ở nhiều người khác. Tiếc rằng đó là một ý tưởng mang tính tự kỷ ám thị tệ hại nhất của người Việt dựa trên sự thiếu hiểu biết về lịch sử và ngôn ngữ Việt.

1.    Về phương diện lịch sử. 

Sang thế kỷ này, bằng việc kết nối những khám phá di truyền nhân học với những tri thức khảo cổ học, cổ nhân học và văn hóa học, chúng ta biết rằng, người vượt sông Hoàng Hà chiếm đất Bách Việt 4600 năm trước là chủng Mông Cổ phương Bắc (North Mogoloid). Tuy chiến thắng nhưng do số người ít và văn hóa chưa phát triển, vào Trung Nguyên, người du mục Mông Cổ bị người Việt đồng hóa cả về di truyền lẫn văn hóa. Do chung đụng với người Việt, lớp con lai Mông - Việt ra đời, tự nhận là người Hoa Hạ. Người Hoa Hạ học văn hóa của tổ tiên Bách Việt và dần dần thay thế lớp cha ông Mông Cổ thuần chủng, cai trị các vương triều Hoàng Đế. Nhưng từ đời Nghiêu, Thuấn cho tới Hạ, Thương, vương triều chuyển qua tay người Việt. Người Hoa Hạ chỉ giành lại vương vị vào thời Chu. Tuy xưng bá nhưng nhà Chu bị kẹp giữa những quốc gia Việt hùng mạnh: Ba Thục phía tây, Ngô, Việt, Sở phía đông và Văn Lang phía nam. Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc, gồm thu đất đai, con người và văn hóa của khối dân cư Việt khổng lồ vào đế quốc Trung Hoa. Diệt nhà Tần, Lưu Bang, một người Việt bên sông Hòn cùng những hào kiệt người Việt khác như Anh Bố, Quý Bố lập ra vương triều với tên Việt là Hòn, chỉ tới đời Đường mới gọi là Hán theo quan thoại thời đó.

Như vậy, huyền thoại “người Hán vượt Hoàng Hà vào chiếm đất rồi đuổi người Việt chạy vượt sông Dương Tử” là sai lầm, ngộ nhận đã bị thực tế lịch sử bác bỏ!


2.    Về phương diện ngôn ngữ 

Cho tới cuối thế kỷ trước, từ học giả thế giới tới Việt Nam tin như đinh đóng cột rằng, tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Trung Hoa. Nhưng tới năm 2006, bằng khảo cứu không thể phản bác của mình, tôi chứng minh rằng: “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa.”

Sau đó, từ năm 2009, bằng loạt bài viết đầy thuyết phục như Phát hiện lại Việt nhân ca, Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn và nhiều bài khác, nhà nghiên cứu Đỗ Thành công bố hàng trăm hàng ngàn chứng cứ cho thấy, tiếng Việt từ Việt Nam theo người di cư lên phía nam Dương Tử thành tiếng Mân Việt, Đông Việt, Việt Quảng Tây, Hải Nam… Từ đây, theo chân người Việt, tiếng Việt vào Trung Nguyên, là chủ thể tạo thành ngôn ngữ Trung Hoa. Từ thời Chu, Khổng Tử coi tiếng của phương Nam là tiếng chuẩn mực nên gọi là Nhã ngữ. Thời Tần thống nhất ngôn ngữ theo Nhã ngữ của phương Nam.

Từ những phát hiện văn bản chữ tượng hình trên bình gốm Bán Pha 2, cách nay 12000 năm; chữ tượng hình mang nội dung bói toán, cúng tế trên yếm rùa ở di chỉ Giả Hồ 9000 năm trước và văn tự của bộ lạc Thủy với 250000 người hiện sống ở Quảng Tây, tôi tiên liệu rằng, chính người Lạc Việt – chủng Indinesian, giữ vị trí lãnh đạo dân cư Đông Á về xã hội và ngôn ngữ - đã sáng tạo chữ vuông tượng hình.

Đầu năm nay, đàn cúng tế của người Lạc Việt ở di chỉ Cảm Tang Quảng Tây (4000 tới 6000 năm trước) với hàng ngàn mảnh rìu đá (còn được gọi là xẻng đá) khắc ký tự tượng hình nói về cúng tế và bói toán được phát hiện. Kết nối ký tự Cảm Tang với văn bản Bán Pha, ký tự Giả Hồ và Giáp cốt-Kim văn Ân Khư, cho thấy một quá trình sáng tạo liên tục của chữ tượng hình trên đất Trung Hoa mà chủ nhân của nó là người Lạc Việt. Từ đó có thể đưa ra nhận định: Giáp cốt và Kim văn là sáng tạo văn tự của người Lạc Việt. Sang thời Chu, chữ tượng hình vốn khắc trên yếm rùa, xuơng thú, đồ đồng được chuyển thành chữ viết trên lụa và thẻ tre. Thời Tần, Hán, trí thức Hoa Việt cùng nhau cải tiến chữ viết tượng hình thành chữ của nhà Hán. Như vậy, chữ Việt cũng là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa!

Do người Việt sáng tạo nên trong chữ tượng hình Lạc Việt có vô số chữ Việt: Nhật (日) là Việt, Nguyệt (月) là Việt, thậm chí Hán (漢) cũng là Việt…

Chữ Việt trên gươm của Câu Tiễn phía bên trái gồm chữ Nhật với nghĩa Việt phía trên còn phía dưới chữ Long (rồng) là chữ duy nhất biểu trưng cho vương vị của Việt vương.

Trong vô số chữ Việt hiện có, nhiều học giả xác định, có ba chữ là tên gọi của  tộc Việt.
Đầu tiên là Việt - người cầm rìu (戉). Chữ này có thể xuất hiện trước 15000 năm cách nay, khi người Việt sáng tạo ra rìu đá mài, công cụ lao động ưu việt nhất của nhân loại thời đó.

Chữ Việt thứ hai, vẫn quen gọi là chữ Việt bộ Mễ (粵) là tên gọi của tộc Việt xuất hiện sau 15000 năm cách nay, khi người Việt thuần hóa được cây lúa nước, phát minh quan trọng nhất của lịch sử nhân loại. Chữ này hiện được dùng để gọi người Việt phía nam Dương Tử.

Chữ Việt bộ Tẩu (越) được dùng làm tên của tộc Việt vào thời Đồ đồng. Là người đầu tiên phát minh kỹ thuật đúc đồng, làm trống đồng, rồi vũ khi mà tiêu biểu là chiếc qua trong chinh chiến, hình tượng chiến binh cầm qua đồng truy đuổi kẻ thù được dùng làm biểu trưng cho người Việt.

Căn cứ vào tự dạng thì hình tượng người cầm qua chạy có hai nghĩa tương phản: chạy tới là tiến công còn chạy lui là trốn tránh. Do vậy, chỉ áp cho nó duy nhất nghĩa bỏ chạy là không đúng. Nếu việt là trốn chạy thì giải thích thế nào về những chữ như ưu việt nói về phẩm chất vượt trội, việt vị nói việc chạy vượt qua mốc quy định. Mặt khác, trong Hán ngữ, nói về việc chạy trốn, đã có chữ Đào (逃).

Điều này cho thấy, từ lịch sử tới ngữ nghĩa, chữ Việt hoàn toàn không có nghĩa trốn chạy mà mang nghĩa tích cực của sự tiến công, tiến bộ, vượt trội.

3.    Kết luận

Trước đây, do không hiểu đúng lịch sử của tộc Việt nên một số trí thức yếm thế gán cho chữ Việt bộ Tẩu cái nghĩa người cầm qua bỏ chạy. Đó là sự ngộ nhận mang tính tự kỷ ám thị bi thảm không chỉ về lịch sử mà còn về ngôn ngữ.

Nay, nhờ khoa học nhân loại, sự thật đã sáng tỏ: tổ tiên ta không chỉ sinh ra người Hoa Hạ mà còn trao cho họ nền văn hóa Việt rực rỡ, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Cùng với hình tượng người cầm qua, chữ Việt bộ Mễ, chữ Việt bộ Tẩu cũng do chính tổ tiên chúng ta sáng tạo. Đó là chữ chính danh khẳng định sự ưu việt của Tổ tiên không chỉ của 90 triệu người Việt Nam mà còn của hàng trăm triệu đồng bào đang sống ở nam Dương Tử, những người mang dòng máu Việt, vẫn nhớ cội nguồn Việt và giữ gìn tiếng nói cùng nhiều vốn quý của văn hóa Việt!

Đáng tiếc là vẫn còn một số người vô tình hay hữu ý bưng tai nhắm mắt trước những phát hiện lịch sử mới. Như người bệnh tưởng, họ tự giam mình trong cõi vô minh rồi buồn tủi, than thân trách phận về căn bệnh giả tưởng!

Cố gắng viết lại chữ Việt thể hiện cái tâm đáng trân trọng. Nhưng việc làm này không chỉ vô nghĩa đối với khoa học mà còn gây nhiễu tâm trí những người nhẹ dạ, cả tin, tiếp tục giam hãm họ trong vòng ngu dân.

Một lần nữa, xin khẳng định: chữ Việt bộ Tẩu do chính tổ tiên chúng ta sáng tạo, không chỉ là biểu trưng của vinh quang quá khứ, mà bằng minh triết của mình, người Việt sẽ giữ vị trí hàng đầu dẫn dắt nhân loại đi lên trong thiên niên kỷ mới. Vì vậy chữ Việt (越) không có lý do gì phải viết lại!    

http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=contentbyauthor&author=HaVanThuy&name=H%C3%A0%20V%C4%83n%20Th%C3%B9y

1 nhận xét:

  1. Chỉ tiếc là những ký tự lạ ở Sa Pa chả ai hiểu. Chính vì vậy cũng chưa thể khẳng định nó là của người Việt cổ! Người Bách Việt cũng chưa có gì khẳng định chính là tổ tiên người Việt ngày nay! Mạo muội bàn thêm!

    Trả lờiXóa