Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Hệ thống Thần Linh Tam Phủ _Tứ Phủ (Phần 3)



V. Tứ Phủ Chầu Bà
Cũng như các vị Chúa Mường , các vị Chầu Bà trong Tứ Phủ cũng là những người phụ nữ nhân đức hay các nữ tướng có công với dân với nước nên khi từ trần được nhân dân thờ phụng và được tôn thành các vị Chầu Bà trong Tứ Phủ, được Vua Mẫu giao cho cai quản sông núi và mọi việc nhân gian. Hàng Tứ Phủ Chầu Bà có 12 vị tuy nhiên cũng như ở một số nơi có sự khác nhau , thêm 2 vị nữa vào hàng thứ 3 và thứ 5. Các vị Chầu Bà gồm :
1; Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên :được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất khi thỉnh đồng (Vì Tòa Thánh Mẫu ko mở khăn ngự đồng ), là vị Chầu tối thượng ,đứng đầu hàng Chầu, ngự tại Ngọc Điện, Thượng Giới ,cũng có khi bà rong chơi Phủ Tía , Lầu Hồng ,vui vẻ ngự trong Đền Rồng sớm hôm .Tuy nhiên cũng khá ít người mở khăn phủ diện để hầu Chầu Đệ Nhất
2; Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn :được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị ,bà vốn là Công Chúa Thiên Thai , giáng sinh Hạ Giới , quyền cai thượng ngàn , quyền cai tam thập lục châu .Khi ngự đồng chầu mặc áo xanh thêu hoa ,đầu vấn khăn xanh ,cài trâm hoa ,tay cầm mồi tượng trưng cho bó đuốc đi rừng ,hơn nữa khi hầu về giá này còn có một tục rất đặc biệt là nghi thức Trình Trầu hay Đội Trầu :các đệ tử ai có căn mạng hoặc đã tôn nhang bản mệnh,vào ngày hầu đồng trong lễ Thượng Nguyên (đầu năm mới) , ngồi phủ khăn đỏ đầu đội mâm trầu cau để"trước trình Phật Thánh sau trình Vua Cha,trình lên Tứ Vị Vua Bà ,trình đồng Tiên Thánh , trình tòa Sơn Trang , trình lên Thập Vị Quan Hoàng ,Tiên Cô ,Thánh Cậu chứng mâm giầu trình " ,khi trình người ngồi lễ phải đặt lên mâm trầu cau 1200 đ hoặc 12000 đ (tùy mỗi nơi )tượng trưng dâng lên 12 giá chính của hàng Chầu Bà là những vị giúp mình được đội giầu.Đền thờ Chầu Đệ Nhị chính là Đền Đông Cuông , Tuần Quán , Yên Bái.
3; Chầu Đệ Tam Thoải Cung : được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Tam , là Lân Nữ Công Chúa , Ngọc Hồ Thần Nữ , vốn là con vua Thủy Tề ,ngự tại Thủy Phủ Thiên Thai chốn Thoải Cung,Tam Phủ .Bà được coi là người cai quản các sông suối biển hồ mạch nước trên đất Nam Việt , bà độ cho thuyền bè trên sông trên biển được thuận buồm xuôi gió.Câu chuyện về vị Xích Lân Long Nữ này rất buồn :Bà vốn con vua Thủy Tề Bát Hải Động Đình ,lên nhân gian kết loan phòng cùng nho sĩ Kính Xuyên,Kính Xuyên đi vắng bà ở nhà khâu áo ,chẳng may kim đâm vào tay ,bà lấy mảnh vải trắng thấm máu , đứa tì nữ Thảo Mai nhặt lấy,khi Kính Xuyên về nó vu oan cho bà là ở nhà cắt máu ăn thề tư thông với kẻ khác ,Kính Xuyên ko nghe bà thanh minh ,một mực đuổi bà đi ,bà đành phải tìm đường về thủy phủ ,trên đường đi bà ngồi khóc bên vệ đường thì gặp văn sĩ Hữu Nghị , ông hỏi bà kể hết sự tình, rồi bà lấy máu ,viết thư kể hết nỗi oan và từ biệt Kính Xuyên rồi nhờ Hữu Nghị đưa giúp,về phần mình bà ra bờ biển Đông đến chỗ có cây ngô đồng ,bà rút cây kim thoa trên đầu gõ vào cây, tức thì dưới thủy phủ có quan quân xe lọng lên rước bà về , về phần Kính Xuyên sau khi xem thư , ngộ ra mọi việc , chạy ra bờ biển thì xe loan đã từ từ đưa bà về thủy phủ ,tất cả chỉ còn lại hình bóng mờ ảo.
4; Chầu Đệ Tứ Khâm Sai : Bà được phong danh là Chiêu Dung Công Chúa , giáng thế là Chầu Bà Khâm Sai giúp dân , ngự đồng ảnh bóng khắp miền gần xa, hơn nữa Chầu cũng là người có quyền tra sổ Thiên Đình để đổi số nhân sinh là cũng là người quyền cai bản mệnh gia trung, khi ngự đồng bà mặc áo vàng thêu rồng một tay cầm kiếm một tay cầm cờ để đi cứu dân. Đền thờ bà là Đền Khâm Sai hay Phủ Bà Đệ Tứ (còn gọi là đền Cây Thị) ở Quý Hương, An Thái, Vụ Bản, Nam Định.
5; Chầu Năm Suối Lân: Bà là vị Chầu trên Sơn Trang Thượng Ngàn ,trấn cửa rừng Suối Lân dưới thời Lê Trung Hưng, bà có phép thần thông biến lá thành thuyền, cứ trăng thanh, hổ báo Chầu hiện về .Chầu ngự đồng mặc áo xanh hoặc áo lam thêu hoa cỏ ,đầu vấn khăn chàm tím.Đền Chầu là đền Suối Lân ,ngay bên cầu Sông Hóa 2 ở Lạng Sơn, bên cạnh đền có con suối quanh năm xanh ngắt chính là Suối Lân.
6; Chầu Lục Cung Nương: Bà là Lê Triều Lục Cung Công Chúa trên Thượng Ngàn ,cũng như Chầu Năm ,bà trấn cửa rừng Chín Tư ,theo tương truyền Chầu Lục cũng là người có phép thần thông và rất đành hanh ,thường rong chơi có khi chơi núi Giùm,Ỷ La ,chầu có phép hô thần chú làm cả núi rừng chuyển động ,tà ma phách tán hồn xiêu ,người trần gian ai ko biết ,làm điều sai trái chầu liền qưở ngay và hành cho bị điên, lúc đó phải sắm nón xanh hài xảo để sám hối đền Chầu. Khi ngự đồng chầu thường mặc trang phục gần giống với Chầu Năm Suối Lân. Đền Chầu lập tại rừng Chín Tư, Hữu Lũng, Lạng Sơn, gọi là đền Lũng với ngày mở hội là 20/9 ÂL.
7; Chầu Bảy Kim Giao: Bà cũng là một vị Chầu Bà trên Thượng Ngàn ,theo tương truyền bà cũng là vị Chầu Bà của dân tộc Mọi, bà giúp người dân tộc Mọi biết làm ăn buôn bán nên được nhân dân nhớ ơn lập đền thờ. Khi về đồng Chầu mặc áo gấm tím. Đền Chầu là Đền Kim Giao, Mỏ Bạch, Thái Nguyên.
8; Chầu Tám Bát Nàn: Bà tên thật là Vũ Thục Nương ,quê ở Tiên La ,Đông Hưng ,Thái Bình .Bà là Nữ Tướng dưới thời Hai Bà Trưng ,phất cờ khởi nghĩa tại quê nhà để trả thù cho tướng công là Phạm Hương và cứu dân thoát khỏi Bát Nạn (8 nạn) nên nhân dân suy tôn làm Bát Nàn Đại Tướng Quân (Bát Nàn là đọc chệch đi của từ Bát Nạn ),sau này năm 43 (SCN) bà hi sinh tại thị trấn Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Vậy nên hiện giờ có 2 đền thờ bà là Đền Tiên La, Đông Hưng, Thái Bình là nơi quê nhà và Đền Đồng Mỏ, Lạng Sơn là nơi bà hi sinh. Khi ngự đồng bà mặc áo vàng ,đội khăn đóng, sau lưng giắt kiếm cờ, hai tay cũng cầm kiếm và cờ lệnh xông pha một mình phá mấy vòng vây .Ngày mở hội bà là ngày 17/3 ÂL.
9; Chầu Chín Cửu Tỉnh :Bà là Chầu Cửu (Theo âm Hán: Cửu là chín, Tỉnh là giếng nên Cửu Tỉnh dịch là Chín Giếng ) cai quản giếng âm dương điều hòa định thái, khi thanh nhàn bà ngự trên chiếc xe rồng dạo chơi.Khi về đồng chầu mặc áo hồng ,cầm quạt khai quang. Đền Chầu ngự cũng là đền Sòng ở Bỉm Sơn Thanh Hóa.
10; Chầu Mười Mỏ Ba : Bà là Nữ Tướng trấn giữ ải Chi Lăng ,giúp vua Lê Thái Tổ giết được tướng giặc Liễu Thăng ,sau lại giúp dân lập ấp lên vùng Mỏ Ba ,được triều đình phong công,trẻ già nhớ ơn, đến cuối thu chầu mãn hạn về thiên nhưng hàng đêm khi canh ba giờ Tí Chầu hiện ra ,cưỡi trên mình ngựa hiên ngang oai hùng và lưng đeo kiếm bạc cung vang ,cờ lệnh do vua ban. Khi ngự đồng Chầu mặc áo vàng ,đeo vòng bạc đai xanh mĩ miều ,chân quấn xà cạp, tay cầm kiếm ,tay cầm cờ hoặc mồi. Đền Chầu là Đền Mỏ Ba, lập ngay sát ải Chi Lăng, Lạng Sơn.
11; Chầu Bé Thượng Ngàn : Đây là tên gọi chung các vị Chầu Bà người Thổ Mường ,hầu hàng thứ 11, được coi là các vị Chầu Bé đành hanh nhưng tài phép, cai quản Tòa Sơn Trang, có Thập Nhị Bộ Tiên Nàng hầu cận ,khi về đồng mặc quầy (váy) & amp; áo (dân tộc )đầu chít khăn thổ cẩm ,chân quấn xà cạp, vai đeo gùi tay cầm mồi soi đường . Có rất nhiều vị Chầu Bé ở các Đền khác nhau , nhưng người ta hay thỉnh nhất là các vị sau:
a; Chầu Bé Bắc Lệ
b; Chầu Bé Đông Cuông
c; Chầu Bé Đồng Đăng
d; Chầu Bé Tam Cờ.

12; Chầu Bé Thoải Cung: Bà cũng là chầu Bé nhưng là ở dưới Thoải chứ ko phải trên Thượng như các Chầu Bé ở hàng thứ 11 ,nên được thỉnh riêng đứng hàng thứ 12.Tuy nhiên cũng có rất ít người hầu về giá này
Như đã nói ở trên, ngoài 12 vị Chầu Bà chính ,một số nơi, đôi lúc người ta thỉnh thêm 2 vị nữa vào hàng thứ 3 và thứ 5 đó là:
3; Chúa Thác Bờ : đôi khi vào hàng Chầu Bà , người ta thỉnh Chúa Thác Bờ sau giá Chầu Đệ Tam hoặc ko thỉnh Chầu Đệ Tam mà thỉnh luôn Chúa Thác .Chúa Thác Bờ là bà Chúa người Mường (Nhưng ko thuộc hàng Tam Vị Chúa Mường ),giáng tại Hoà Bình .Tương truyền Chúa Thác vốn là tiên nữ giáng sinh tại nơi thắng tích ,dạy người Mường biết trồng trọt, đánh bắt cá dưới sông Đà. Khi thanh nhàn Chúa thường bẻ lái dạo chơi khắp chốn ,vượt sông Đà dạo khắp suối khe, rong chơi Hang Miếng ,Suối Rút ,Chợ Bờ,Hang Pía, Chợ Phương Lâm, Kim Bôi, Chầm Mâm, Yên Lịch và dấu tích còn ghi lại rõ nhất là ở Động Tiên ngay giữa dòng sông Đà. Khi về đồng có lúc Chúa mặc áo trắng và khăn choàng trắng , có khi lại mặc váy đen áo trắng đai xanh, bên hông có xà tích bạc ,túi dao quai ,một tay cầm mồi, một tay cầm mái chèo bẻ lái giữa dòng sông Đà cuồn cuộn sóng dữ .Đền thờ Chúa Thác là Đền Thác Bờ ở Kim Bôi, Hoà Bình gần với công trình thuỷ điện Thác Bà và Hoà Bình ,đường đi rất khó khăn, phải đi bằng ca-nô mới đến được.
5; Chúa Bà Năm Phương: Giá này thường đựoc hầu ở Hải Phòng và được thỉnh trước giá Chầu Năm Suối Lân .Chúa được tôn là Chúa Bà Năm Phương Ngũ Phương Bản Cảnh vốn là Bạch Hoa Công Chúa ,sau bị trích giáng vào nhà họ Vũ ở cửa Cấm Giang , Gia Viên,đi về tại cây đa mười ba gốc ,tương truyền Chúa bà là người cai quản bản cảnh ngũ phương trong trời đất .Khi ngự đồng có khi Chúa mặc cả bộ trắng cũng có khi chỉ phủ chiếc khăn phủ diện đỏ làm khăn choàng ,về khám xét bản đền chứng tâm cho gia chủ rồi cầm tiền tung lên để khai quang trong ngày đầu năm .Người ta thương dâng Chúa bộ nón hài và đĩa hoa trắng (bạch hoa), trong đàn mã mở phủ phải có một cỗ xe trắng dâng Chúa Bà .Đền Chúa bà là Đền Cấm, Phố Cấm, Lê Lợi, Hải Phòng, tuy nhiên nơi tập trung đông nhất là Vườn Hoa Chéo, Hải Phòng.

  (Theo daomauvietnam)_Hiệu chỉnh Admin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét