Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Một số quan điểm về truyền thuyết Vua Cha Bát Hải Động Đình



Lần tìm về gốc của Đạo Mẫu và hệ thống Tứ phủ thì không thể không ghé đền Đồng Bằng, nay thuộc xã An Lễ - Quỳnh Phụ - Thái Bình. Nơi đây là đền thờ Vua cha Bát Hải Động Đình cùng quần thể một loạt đền thờ các Quan lớn khác ở vùng lân cận. Tóm tắt thần tích đền Đồng Bằng như sau:
Trên bờ sông Vĩnh, thuộc Đào Hoa Trang, Trấn Sơn Nam, Quận Giao Chỉ có 2 vợ chồng ông Phạm Túc và bà Trần Thị là người Trang An Cố (thuộc Thuỵ Anh - Thái Bình ngày nay) đã lớn tuổi, sống phúc hậu mà không có con. Một lần, họ ngược dòng đánh cá đến Trang Hoa Đào và tình cờ gặp cô gái nhỏ bên sông Vĩnh. Ông bà đón cô gái về nuôi tại An Cố, đặt tên là Quý Nương. Mấy năm sau, khi tròn 18 tuổi, Quý Nương rất xinh đẹp, đoan trang.
Một lần Quý Nương ra cửa sông tắm, thì có một con Hoàng Long hiện lên quấn chặt lấy người. Một thời gian sau, Quý Nương có thai. Bà trở về quê Hoa  Đào trang sinh sống. Bà mang thai đúng 13 tháng, vào đúng đêm ngày mồng 10 tháng giêng bà sinh ra một cái bọc giữa ánh hào quang phát sáng rực. Quý Nương sợ hãi, ôm bọc thai thả xuống sông Vĩnh. Cũng đêm ấy có một người cất vó bên sông tên là Nguyễn Minh vớt được cái bọc đó. Ông rạch bọc ra thì thấy có ánh sáng phát chói loà, từ trong bọc chui ra 3 con Hoàng Xà, đầu rồng mình rắn. Con lớn nhất vượt sông lên bờ, chui vào náu thân trong một giếng nước. Đó chính là giếng thiêng trong cấm cung đền Đồng Bằng bây giờ. Còn 2 Hoàng Xà nhỏ, bơi xuôi theo dòng nước chảy dọc sông Vĩnh, một con dạt vào Thanh Do Trang (thuộc Thái Ninh bây giờ), con nhỏ nhất bơi đến tận An Cố trang (Mai Diêm - Thuỵ Anh).
Lại nói vua Hùng ngày ấy đã già, lại không con trai nối dõi. Giặc Thục nhân cơ hội liên kết với Ai Lao, Vạn Tượng đem quân sang tấn công Văn Lang. Vua Hùng lập đàn cầu Trời được Thanh Y Tiên Ông mách cho về Hoa Đào trang mà triệu, sẽ có dị nhân đánh tan giặc biển.
Vua Hùng sai sứ giả về Hoa Đào trang (tức đất An Lễ bây giờ) để truyền chỉ dụ triệu kỳ nhân dẹp giặc. Sứ giả đến bên giếng xướng truyền sắc chỉ thì thấy Hoàng Xà hiện ra rồi bỗng hoá thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với Vua Hùng là sẽ triệu 2 em, tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả 8 cửa biển nước Nam, hứa sau 3 ngày là giặc tan. Từ đó, ngài có tên là Vĩnh Công ...
Sắc phong đời vua Lý Thánh Tông cho thần là Tam kỳ linh ứng Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình. Lễ hội đền Đồng Bằng tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch hàng năm (Tháng Tám giỗ cha…).
Theo thần tích trên thì Vua cha Bát Hải Động Đình là một nhân thần (nhân vật lịch sử có thật đã được thần thánh hóa) ở thời Hùng Vương, có công dẹp yên giặc Thục. Nhưng tại sao Bát Hải Động Đình lại là người bắt đầu đạo Mẫu ở Việt Nam? Và đã là ở thời Hùng Vương thì Vua cha Bát Hải chẳng nhẽ không phải là vua Hùng?
Câu đối ở đền Sinh, tương truyền là nơi Quý Nương sinh Hoàng Xà:
Đào Giang Động Khẩu kỳ thiên tích
Sinh hóa thần tiên vạn cổ truyền.
Dịch:
Sinh hóa thần tiên truyền vạn thế
Sông Đào cửa Động tích kỳ nghìn.
Chữ Động 洞 trong Động Đình hay Đào Động ở đây không phải chỉ khu vực hay đơn vị hành chính. “Động khẩu” – cửa Động cho thấy đây là tên riêng. Động là tính chất của phương Đông. Động khẩu là cửa biển phía Đông. Động Đình hồ là cái hồ lớn phía Đông hay chính là biển Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình không hề ở hồ Động Đình bên Vân Nam, có 8 cửa thông ra biển như kiểu giải thích nguyên nghĩa thông thường. Hồ Vân Mộng ở Vân Nam ở xa biển đi máy bay chẳng tới, nói gì đến có 8 cửa biển.
Câu đối ở cổng tam quan đền Đồng Bằng:
Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích
Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh.
Dịch:
Bậc thượng thần bốn nghìn năm đất nước, rồng bay biển Bát truyền tích lạ
Xuất thế gian mười tám hiệu triều Hùng, hổ chầu sông Đào nổi linh thiêng.
Căn cứ vào việc Vua Cha Bát Hải Động Đình đánh Thục giúp Hùng Vương thứ 18 mà các tác giả trước đây cho rằng chuyện này xảy ra vào cuối thời Hùng, cách đây chỉ có 2000 năm. Câu đối trên đọc kỹ cho thấy thông tin hoàn toàn khác. Bát Hải Động Đình đã là thần từ 4000 năm nay và xuất thế vào thời 18 đời Hùng Vương.
Trong câu đối trên Bát Hải là địa danh chứ không phải tên người. “Rồng bay biển Bát” chỉ tích Hoàng Xà xuất hiện ở vùng biển. Đối lại, “hổ chầu sông Đào” chỉ các vị Quan lớn dưới trướng Vĩnh Công. Bát không phải là số 8 (trong 8 cửa biển) mà là con số chỉ phương Đông của Hà Thư. Bát Hải là chỉ biển Đông ngày nay. Bát Hải Động Đình là vua biển Đông.
Truyền thuyết về nguồn gốc Mẫu Thoải, người cai quản Thủy phủ trong đạo Mẫu, cho thông tin về Long vương Động Đình:
 - Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở Ðộng Ðình hồ, gặp Kinh Dương Vương đi tuần thú phương nam, hai người kết hôn, sinh ra Lạc Long Quân, thuỷ tổ của tộc Việt.
- Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở hồ Ðộng Ðình, lấy Kinh Xuyên, sau bị vợ hai của Kinh Xuyên là Thảo Mai đố kỵ, vu oan, nên bị chồng nhốt cũi bỏ vào rừng cho thú ăn thịt nhưng Bà được cứu thoát, đới sau kính phục đức độ của Bà, suy tôn là Mẫu Thoải.
Hai truyền thuyết trên chỉ là một vì Xuyên = Giang = Dương. Kinh Xuyên = Kinh Dương Vương.
Mẫu Thoải là người đã kết hôn với Kinh Dương Vương, sinh ra Lạc Long Quân. Tới đây thì thấy rõ Vua cha Bát Hải Động Đình chính là Thần Long Động Đình trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng, là ông ngoại của Lạc Long Quân. Câu hỏi về đạo Mẫu được giải đáp. Đạo Mẫu không phải chỉ là đạo thờ các bà mẹ với nguyên lý của thời mẫu hệ, mà là đạo khai mở từ đức Lạc Long ở biển Đông, tôn thờ dòng tộc Động Đình bên ngoại của mình.
Cũng vì thế mà quốc mẫu Âu Cơ không được xếp thành thánh Mẫu nào cả trong hệ thống Tứ phủ vì Âu Cơ là cháu Đế Nghi, Đế Nghi là anh trai của Lộc Tục – Kinh Dương Vương. Âu Cơ là bên họ nội của Lạc Long Quân.

Câu đối ở cột đá trên đền Hùng – Phú Thọ:
Vân ám Động Đình long đồ giáng
Nguyệt khoa Lĩnh biểu hạc qui lai.
Dịch:
Mây phủ Động Đình Rồng xuất thế
Trăng soi Nghĩa Lĩnh Hạc bay về.
Câu trên mỗi chỗ chép một khác nhưng chắc chắn bắt đầu bằng “Vân ám Động Đình”, là nơi cha Rồng xuất hiện. Trong truyền thuyết Lạc Long Quân luôn gắn liền với quê mẹ ở Động Đình. 50 người con theo cha xuống biển tức là về quê ngoại ở biển Đông. Điều này giải thích vì sao tín ngưỡng Tứ phủ và vua cha Bát Hải lại được người Việt coi trọng như vậy.

Câu đối ở điện thờ Vua cha Bát Hải tại đền Đồng Bằng:
Bình Thục trứ nguyên huân, mỹ tai Hồng Lạc sơn hà, bi kệ trường minh Đào Động miếu
Lịch triều long tự điển, tế thử Á Âu phong hội, sương uy do tại hải môn thu.
Dịch:
Trải triều đại thịnh dày năm xưa, đúng đây hội tục Á Âu, màn uy còn tại tiết thu cửa biển
Dẹp quân Thục công đầu tiếng nổi, đẹp thay Lạc Hồng sông núi, bia đá mãi sáng nơi miếu Động Đào.

Đào Động – Hoa Đào trang là đất của Vua cha Bát Hải Động Đình. Cũng ngay gần đền Đồng Bằng, bên huyện Thái Thụy của Thái Bình, trong thần tích đền Bà Chúa thờ Vương Chiêu Quân thời Tây Hán cho biết vùng này xưa được gọi là “Phủ Hạ bát đụn tang”. Chữ “bát” ở đây cũng tương tự như trong Bát Hải, là con số chỉ phương Đông. “Phủ Hạ bát đụn tang” phải hiểu là Gò đất lớn ở phía Đông của nhà Hạ.
Đào – Hoa – Hạ chỉ là một, chỉ vùng đất xứ nóng. Lạc Long Quân ở đất Đào hay Hoa Hạ, thật quá chính xác. Nếu Tản Viên – Kinh Dương Vương là Hạ Vũ trị thủy thì Lạc Long Quân chính là Hạ Khải của Hoa sử. Sau thời kỳ biển tiến, gây cơn đại hồng thủy thời Hạ Vũ, nước biển rút xuống, hình thành “Đồng Bằng” châu thổ sông Hồng (Đào giang). Lạc Long Quân cùng 50 người con tiến xuống chinh phục vùng Đồng Bằng ven biển Động Đình, khai mở nhà Hạ của Hoa sử.

Tới đây ta chợt hiểu bài ca dao:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường thức đủ năm canh
Tiết trời thu lảnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bổng bồng bông, bổng bồng bông
Võng Đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên.

Nếu lấy 2 câu đầu và cuối:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ…
Võng Đào mẹ bế con rồng cháu tiên.

Thì thật rõ ràng đạo Mẫu của Việt Nam bắt đầu từ Động Đình thời Đào – Hoa – Hạ của Lạc Long Quân.
Câu đối ở chính điện đền Đồng Bằng:
Phù dực Hùng triều, Đào lãng ân lưu giang dĩ Bắc
Thái bình Thục lỗ, Động thiên uy chấn hải chi Nam.
Dịch:
Phò giúp triều Hùng, sóng Đào lưu ơn nơi sông Bắc
Dẹp yên giặc Thục, trời Động oai nổi chốn biển Nam.
“Động thiên”
Thêm một lần nữa cho thấy “Động” không phải là từ chỉ đơn vị hành chính mà là tên riêng, chỉ phương Đông.

Vấn đề hóc búa nhất khi giải mã truyền thuyết này: Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đã giúp vua Hùng đánh giặc Thục, tuyển mộ các vị quan lớn từ Quan đệ nhất, Quan đệ nhị, Quan đệ tam,… đều là của thời Hùng đánh Thục. Vua Bát Hải Động Đình đã xác định là thời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân cách đây 4000 năm. Vậy làm sao có thể là thời Hùng Vương 18 đánh Thục? Thời Thục An Dương Vương chỉ mới cách đây hơn 2000 năm. Cũng tương tự nhiều thần tích chép Tản Viên Sơn Thánh trị thủy từ thủa hồng hoa lại giúp vua Hùng đánh Thục ở cuối triều Hùng, thật vô cùng kỳ bí.
Chỉ khi nhận ra Tản Viên là Hạ Vũ, Lạc Long Quân là Hạ Khải thì vấn đề trên trở nên sáng tỏ. Cuộc chiến Hùng – Thục thứ nhất mà phần thắng thuộc về Hùng vương không phải ở thời Thục Phán An Dương Vương mà là cuộc tranh giành vương vị của Hạ Khải với con cháu của dòng Đế Nghiêu (Đế Nghi) cách đây 4000 năm. Kết quả ông Bá Ích phải dẫn dòng họ Cơ của Hùng Vũ chạy lên đất Kỳ Sơn. Con cháu họ Cơ sau này là Chu Văn Vương – Chu Vũ Vương làm nên cuộc chiến Hùng – Thục thứ hai, với phần thắng thuộc về nhà Chu Thục trước Ân Trụ Vương cách đây 3000 năm.
Mọi việc trở nên thật rõ ràng. Tản Viên Sơn Thánh là Hạ Vũ, tổ của nhà Hạ nên truyền thuyết mới chép Thánh Tản giúp vua Hùng đánh Thục. Thực ra người đánh Thục là con của Hạ Vũ, là ông Khải – Lạc Long Quân. Nhưng vì Tản Viên – Hạ Vũ là ông tổ đầu tiên của nhà Hạ nên truyền thuyết vẫn chép vào thành Sơn Tinh đánh Thục.
Cuộc chiến Hùng - Thục thứ nhất này còn thể hiện ngay trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng khi Lạc Long Quân và Âu Cơ “thủy hỏa xung khắc”, chia đàn con Bách Việt thành 2 nhánh. Nhánh theo mẹ Âu Cơ lên rừng lập nước Văn Lang, đô ở Phong Châu là nhánh Thục. Nhánh theo cha Lạc Long xuống biển Động Đình, xây dựng Hoa Đào trang.
Lạc Long Quân nhờ sự giúp đỡ của bên ngoại ở Động Đình phía Đông đã làm cuộc “đảo chính”, đánh nhóm dòng tộc phía Tây (Thục), lập nên nhà Hạ. 10 vị Quan lớn của Tứ phủ hẳn là các quan trấn giữ các vùng dưới triều Hạ. Do đó, bên ngoại Lạc Long Quân đã được tôn thờ trong Đạo Mẫu. Dấu vết nhà Hạ để lại chính là cả một hệ thống đạo Mẫu cổ xưa với đầy đủ nghi lễ, thứ bậc và chỉ có ở Việt Nam. Đạo Mẫu xuất hiện từ thời Lạc Long Quân, tức là còn có trước Đạo Giáo của Lão Tử hình thành thời Chu Thục sau này. Đạo Mẫu không phải là tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo như vẫn nghĩ. Tuy nhiên cả 2 đều coi Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức là Hoàng Đế Hiên Viên ở ngôi cao nhất. Đây là 2 tín ngưỡng của nhà Hạ và nhà Chu khác nhau nhưng có chung một nguồn gốc dân tộc từ thời Hùng Vũ (vua Hùng).

Câu đối ở đền Đồng Bằng:
Bát Hải linh từ, đại đế phong thần lưu thiên cổ
Động Đào cố địa, phù Hùng hiển thánh chấn Tam Giang.
Dịch:
Đền linh Bát Hải, đế vương phong thần lưu nghìn thủa
Đất cũ Động Đào, giúp Hùng hóa thánh nổi Tam Giang.
Tam Giang là tên cũ chỉ nước Việt, nơi có 3 con sông Đà Lô Thao gặp nhau ở ngã ba Bạch Hạc.

Thật kỳ lạ, trong truyền thuyết Việt có đầy đủ mọi thứ của Hoa sử, khớp tới từng chi tiết. Nhà Hạ, thời kỳ đầu lịch sử của người Hoa, bắt đầu chính từ vùng Đồng Bằng ven biển Động Đình. Nay năm Nhâm Thìn 2012, cha Rồng lại xuất hiện trên biển Bát. Lịch sử 4000 năm của người Việt sẽ được trả về đúng chủ nhân của nó.

Văn nhân góp ý:
...Đào Động – Hoa Đào trang là đất của Vua cha Bát Hải Động Đình... đọc bài viết rồi mới nhận ra ... chữ Hoa và chữ Hải đã nằm sẵn trong danh xưng: Hùng Hoa vương - Hải lang.
Bài viết thực quan trọng đối với Sử thuyết Hùng Việt ... xin cảm ơn Bách Việt 18.

Theo Mantico

1 nhận xét: