Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Ngọc Hoàng Thượng Đế

Người Việt cứ có chuyện gì là lại kêu “Trời”. Nhưng ông Trời là ai? Tại sao người Việt lại tin vào ông Trời đến vậy?


Trong Đạo Giáo Trung Hoa ông Trời là Ngọc Hoàng Thượng Đế, người cai quản Thiên đình. Trong Đạo Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam, Vua cha của Thiên phủ cũng là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Các sử gia với cái nhìn thiên kiến về tính xác thực của các thông tin trong tín ngưỡng và tôn giáo đều không muốn tìm xem Ngọc Hoàng Thượng Đế là nhân vật lịch sử nào.

Thực ra Ngọc Hoàng Thượng Đế là Hoàng Đế, người được coi là ông tổ của Hoa sử. Gọi là “Ngọc” vì đây đang là còn thời kỳ đồ đá. Gọi là “Hoàng” vì là màu của trung tâm trong Ngũ hành, tương ứng với vua. Ngọc Hoàng nghĩa là vị vua của thời tiền sử.

Ngay Đại Việt sử ký toàn thư cũng coi Hoàng Đế là vị vua đầu tiên của nước ta. Câu mở đầu của chính sử Đại Việt ghi rõ: “Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt…”.

Hoàng Đế của Trung Hoa lại là ông Trời của người Việt. Ở nước ta tới giờ vẫn còn những nơi riêng thờ Ngọc Hoàng như đền Đậu An ở làng An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. (Tuy nhiên, các căn mệnh phải chú ý người dân ở đây tự ý cho mình có đặc quyền gọi Hậu cung thờ Ngài là Cung cấm và tự đặt ra luật lệ riêng là không cho ai vào khấn, dâng lễ, kể cả thời gian lễ hội hoặc kể cả những người có căn cao mệnh lớn được Đại Đế triệu về dâng lễ lên Ngài).

Theo thần tích còn lưu giữ trong đền, vào năm “Thiên Định nhị niên” có Thiên tiên, Địa tiên mở cổng trời xuống hướng dẫn nhân dân khai phá vùng sình lầy, dạy cách săn bắn, hái lượm và trồng lúa nước. Ngoài ra còn có Ngũ lão tiên ông huy động dân làng khai hoang, diệt trừ thú dữ và dựng Thụy Ứng quán thờ trời để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Đền Đậu An nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, xung quanh có hồ nước trong xanh bao bọc. Do đó câu đối ở đền chép:
Thiên Định kỷ nguyên, Thụy Ứng Ngọc Hoàng lai giáng hạ
Địa linh thiên cổ, đền đài thượng đế ngự long đầu.

Dịch:
Thiên Định năm xưa, Thụy Ứng Ngọc Hoàng xuống hạ thế
Đất thiêng nghìn tuổi, đền đài Thượng Đế ngự đầu rồng.


 

Tháp đất nung và điện thờ Ngọc Hoàng ở đền Đậu An, Hưng Yên

Ngọc Hoàng thượng đế ở đền Đậu An còn có cả niên hiệu “Thiên Định” như một triều đại thật sự. Theo thông tin ở đây thì ngôi đền này đã được dựng từ năm 226 trước Công nguyên. Rõ ràng tục thờ Ngọc Hoàng là tín ngưỡng bản địa của người Việt bởi vì lúc đó nước ta còn chưa chịu ảnh hưởng của phương Bắc. Theo chính sử thì mãi tới năm 218 TCN thì nhà Tần lần đầu mới đánh chiếm Bách Việt. Trước đó Văn Lang, Âu Lạc là những quốc gia hoàn toàn độc lập, không liên quan gì tới phương Bắc.

Hoàng Đế trong Hoa sử có tên là Hiên Viên, là vua nước Hữu Hùng. Còn Thiên Nam ngữ lục thì chép:
Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.

 
Họ Thần Nông được thay bằng họ Hữu Hùng. Đối chiếu hai dòng sử thì thấy rõ vua Hữu Hùng là Đế Minh trong truyền thuyết họ Hồng Bàng vì sử Việt bắt đầu chính bằng “Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông…”.

Huyền sử Trung Hoa cho biết sau trận đánh quyết liệt giữa Hiên Viên với Xuy Vưu ở Trác Lộc thì tất cả dân chúng các bộ lạc đều hoan nghênh Hữu Hùng Thị, tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi Minh chủ, lấy hiệu là Hoàng Ðế.

Hoàng Đế được tôn là Minh chủ hay Minh Đế, tức là Đế Minh của truyền thuyết Việt. Minh nghĩa là sáng, là tỏ, tương ứng với chữ Hiển trong Hán văn. Chính vì vậy Hoàng Đế – Đế Minh được gọi là Hiển Vương, tam sao thất bản chép thành Hiên Viên.

Hoàng Đế là ông tổ của dân tộc Hoa Việt (Theo tài liệu của Giáo sư Y Chu người Mỹ gốc Hoa thì người Hoa Hạ, người Hán ngày nay đều từ gốc người Việt cổ mà ra), là vị vua Hùng chính thức đầu tiên của nước họ Hùng (Hữu Hùng). Tên Hùng Hiển Vương trong Ngọc phả Hùng Vương được chép là của Lạc Long Quân. Đây là sự lẫn lộn thường thấy giữa 2 vị quốc tổ họ Hùng này khi chép theo 2 dòng sử Hoa và Việt.

Câu đối ở đền Hùng – Phú Thọ:
Thiên thư định phận chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà duy hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.

Dịch:
Sách trời định chốn chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt duy có tổ
Núi tỏa linh thiêng cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn
.

Ngọc Hoàng – Đế Minh đã dựng Minh Đô tại nơi ba con sông Đà, Lô, Thao hội tụ ở Phong Châu – Phú Thọ, bắt đầu thời đại có quốc gia, có vua của người họ Hùng, của cộng đồng người Bách Việt. Là quốc tổ khai sinh họ Hùng nên Đế Minh mãi được tôn là ông Trời trong tâm thức của người Việt cũng như người Hoa.

Theo Bách Việt trùng cửu/Trang chuyên khảo về văn minh Hùng - Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét