Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Ngọc Hoàng Thượng Đế

Người Việt cứ có chuyện gì là lại kêu “Trời”. Nhưng ông Trời là ai? Tại sao người Việt lại tin vào ông Trời đến vậy?


Trong Đạo Giáo Trung Hoa ông Trời là Ngọc Hoàng Thượng Đế, người cai quản Thiên đình. Trong Đạo Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam, Vua cha của Thiên phủ cũng là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Các sử gia với cái nhìn thiên kiến về tính xác thực của các thông tin trong tín ngưỡng và tôn giáo đều không muốn tìm xem Ngọc Hoàng Thượng Đế là nhân vật lịch sử nào.

Thực ra Ngọc Hoàng Thượng Đế là Hoàng Đế, người được coi là ông tổ của Hoa sử. Gọi là “Ngọc” vì đây đang là còn thời kỳ đồ đá. Gọi là “Hoàng” vì là màu của trung tâm trong Ngũ hành, tương ứng với vua. Ngọc Hoàng nghĩa là vị vua của thời tiền sử.

Ngay Đại Việt sử ký toàn thư cũng coi Hoàng Đế là vị vua đầu tiên của nước ta. Câu mở đầu của chính sử Đại Việt ghi rõ: “Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt…”.

Hoàng Đế của Trung Hoa lại là ông Trời của người Việt. Ở nước ta tới giờ vẫn còn những nơi riêng thờ Ngọc Hoàng như đền Đậu An ở làng An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. (Tuy nhiên, các căn mệnh phải chú ý người dân ở đây tự ý cho mình có đặc quyền gọi Hậu cung thờ Ngài là Cung cấm và tự đặt ra luật lệ riêng là không cho ai vào khấn, dâng lễ, kể cả thời gian lễ hội hoặc kể cả những người có căn cao mệnh lớn được Đại Đế triệu về dâng lễ lên Ngài).

Theo thần tích còn lưu giữ trong đền, vào năm “Thiên Định nhị niên” có Thiên tiên, Địa tiên mở cổng trời xuống hướng dẫn nhân dân khai phá vùng sình lầy, dạy cách săn bắn, hái lượm và trồng lúa nước. Ngoài ra còn có Ngũ lão tiên ông huy động dân làng khai hoang, diệt trừ thú dữ và dựng Thụy Ứng quán thờ trời để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Đền Đậu An nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, xung quanh có hồ nước trong xanh bao bọc. Do đó câu đối ở đền chép:
Thiên Định kỷ nguyên, Thụy Ứng Ngọc Hoàng lai giáng hạ
Địa linh thiên cổ, đền đài thượng đế ngự long đầu.

Dịch:
Thiên Định năm xưa, Thụy Ứng Ngọc Hoàng xuống hạ thế
Đất thiêng nghìn tuổi, đền đài Thượng Đế ngự đầu rồng.


 

Tháp đất nung và điện thờ Ngọc Hoàng ở đền Đậu An, Hưng Yên

Ngọc Hoàng thượng đế ở đền Đậu An còn có cả niên hiệu “Thiên Định” như một triều đại thật sự. Theo thông tin ở đây thì ngôi đền này đã được dựng từ năm 226 trước Công nguyên. Rõ ràng tục thờ Ngọc Hoàng là tín ngưỡng bản địa của người Việt bởi vì lúc đó nước ta còn chưa chịu ảnh hưởng của phương Bắc. Theo chính sử thì mãi tới năm 218 TCN thì nhà Tần lần đầu mới đánh chiếm Bách Việt. Trước đó Văn Lang, Âu Lạc là những quốc gia hoàn toàn độc lập, không liên quan gì tới phương Bắc.

Hoàng Đế trong Hoa sử có tên là Hiên Viên, là vua nước Hữu Hùng. Còn Thiên Nam ngữ lục thì chép:
Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.

 
Họ Thần Nông được thay bằng họ Hữu Hùng. Đối chiếu hai dòng sử thì thấy rõ vua Hữu Hùng là Đế Minh trong truyền thuyết họ Hồng Bàng vì sử Việt bắt đầu chính bằng “Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông…”.

Huyền sử Trung Hoa cho biết sau trận đánh quyết liệt giữa Hiên Viên với Xuy Vưu ở Trác Lộc thì tất cả dân chúng các bộ lạc đều hoan nghênh Hữu Hùng Thị, tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi Minh chủ, lấy hiệu là Hoàng Ðế.

Hoàng Đế được tôn là Minh chủ hay Minh Đế, tức là Đế Minh của truyền thuyết Việt. Minh nghĩa là sáng, là tỏ, tương ứng với chữ Hiển trong Hán văn. Chính vì vậy Hoàng Đế – Đế Minh được gọi là Hiển Vương, tam sao thất bản chép thành Hiên Viên.

Hoàng Đế là ông tổ của dân tộc Hoa Việt (Theo tài liệu của Giáo sư Y Chu người Mỹ gốc Hoa thì người Hoa Hạ, người Hán ngày nay đều từ gốc người Việt cổ mà ra), là vị vua Hùng chính thức đầu tiên của nước họ Hùng (Hữu Hùng). Tên Hùng Hiển Vương trong Ngọc phả Hùng Vương được chép là của Lạc Long Quân. Đây là sự lẫn lộn thường thấy giữa 2 vị quốc tổ họ Hùng này khi chép theo 2 dòng sử Hoa và Việt.

Câu đối ở đền Hùng – Phú Thọ:
Thiên thư định phận chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà duy hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.

Dịch:
Sách trời định chốn chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt duy có tổ
Núi tỏa linh thiêng cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn
.

Ngọc Hoàng – Đế Minh đã dựng Minh Đô tại nơi ba con sông Đà, Lô, Thao hội tụ ở Phong Châu – Phú Thọ, bắt đầu thời đại có quốc gia, có vua của người họ Hùng, của cộng đồng người Bách Việt. Là quốc tổ khai sinh họ Hùng nên Đế Minh mãi được tôn là ông Trời trong tâm thức của người Việt cũng như người Hoa.

Theo Bách Việt trùng cửu/Trang chuyên khảo về văn minh Hùng - Việt

Sắc phong của các đời Vua Việt cho Vĩnh Công - Vua Cha Bát Hải Động Đình



Xin trích giải  một số Sắc phong  của các đời Vua đất Việt phong cho Vĩnh Công Đại Vương - tức Đức Vua Cha Bát Hải :
1 - Hoàng Triều Vĩnh Hựu nhị niên , trọng Đông nguyệt , sơ nhật .
(Niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2, đời vua Lê Ý Tông, ngày 01/ 11 âm /1726 )
Sắc : Gia phong: Trấn Tây an Tam kỳ linh ứng Đại Vương _Thượng đẳng Quốc tế  (Quốc là quốc gia, tế là Tế lễ, được tổ chức Tế lễ theo Nghi thức dành cho những bậc Thần linh được tôn trọng bậc nhất Quốc gia )
Phóng chỉ ban hồi dữ cấp tiền tứ bách quán (Truyền Chỉ dụ về tận nơi, cùng số tiền được Triều đình ban cấp là 100 quan). Hứa Đào Động trang ngưỡng Thần hiệu, cập hồi trùng tu miếu điện, dĩ phụng chi lưu truyền hương hoả, dữ  quốc tế vĩnh thời huân công hỹ. (Hẹn cho Đào Động trang tổ chức lễ đón Thần hiệu , tiến hành trùng tu miếu điện  thờ phụng và lưu truyền hương hoả , để cả nước về tế lễ huân công của Thần đến mãi mãi ) .
Hàn lâm Viện Đông các Đại học sỹ  Nguyễn Bỉnh - Phụng soạn
Bát phẩm Lại bộ - thần :
Nguyễn Hiền - Phụng sao .

2 - Chương Thánh tôn hiệu đệ nhị niên , trọng xuân , cát nhật .
(Năm Chương Thánh Gia Khánh thứ hai, đời Vua Lý Thánh Tông, ngày tốt , tiết xuân tháng 2 âm lịch , năm 1060 )
Sơn Nam Hạ trấn, Phụ Phượng quận, Đào Động trang
Cổ điện phụng sự: Tam Kỳ linh ứng Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình .
Thị thượng tôn cổ Thần hộ Quốc tý dân , thập phương ngưỡng vọng
( Là vị Thần từ đời cổ được tôn trọng bậc nhất , đã có công Hộ quốc , che chở cho dân , mà mọi miền đất Việt đều ngưỡng vọng )
Vạn cổ chí kim thế truyền linh ứng , đa Triều tái phong mỹ tự
( Từ cổ đến nay, được đời truyền tụng là linh ứng, nhiều Triều đại đã có Sắc gia phong với những lời ca ngợi đẹp đẽ )
Tứ kim gia phong  ( Nay ban chiếu gia phong là )
Thượng đẳng Tôn Thần Hộ quốc tí dân , vạn đại linh ứng
( Vị Thần được tôn trọng bậc nhất , đã có công hộ Quốc , che chở cho dân , vạn năm linh ứng )
Chuẩn phụng sự chính lệ  ( cho phép phụng sự , tế lễ theo chính lệ )
Trợ Thần tồn linh bảo ngã lê dân chí vĩnh .              Khâm thử !
( Để Thần tiếp tục linh ứng bảo vệ cho dân ta mãi mãi .    Y lệnh !)

3 - Thiên Đức tôn hiệu đệ ngũ niên , trung thu, vọng nhật
( Năm Thiên Đức thứ hai, đời Vua Lý Nam đế, ngày 15 tháng 8 âm năm 548 )
Lạc Việt quốc, Hùng Triều đệ thập bát diệp , sắc phong thuỷ Thần phát tích Hoa Đào trang , sơn Nam Hạ trấn .
(Thời vua Hùng đời thứ 18 , nước Lạc Việt, đã sắc phong cho vị Thuỷ Thần phát tích tại Hoa Đào trang, Trấn Sơn Nam Hạ  )
Sắc phong  (Vua Hùng  sắc phong là )
Đệ nhất lương thần Vĩnh Công hộ quốc tí dân
( Vị Thần có đức lớn bậc nhất là Vĩnh Công, đã có công hộ quốc, che chở cho dân ta)
Hoá Thần Bính Dần niên, bát nguyệt, nhị thập ngũ nhật, sở tại Hoa Đào trang, Sơn Nam Hạ trấn, bộ Thang Truyền. Niệm đại công sinh thời hùng lược quảng đức phù Quốc an dân. Gia phong: Trấn Tây an Tam kỳ linh ứng  Đại Vương, thượng đẳng quốc tế. Phóng chỉ ban hồi dữ . Hứa Hoa Đào trang ngưỡng Thần hiệu, trùng tu miếu điện, dĩ cẩn phụng sự chi lưu truyền hương hoả vạn thế, đắc Thần sở tiếp linh ứng phù hộ dân Việt bất hoại .
Khâm dĩ !
(Vị thuỷ Thần hoá Thần ngày 25 tháng tám năm Bính Dần, tịch tại Hoa Đào trang,  Sơn Nam Hạ trấn, bộ Thang Truyền. Nhớ đến đại công khi sinh thời của Vĩnh Công hùng lược quảng đức, hộ quốc an dân, Vua Hùng gia phong : Trấn Tây an Tam kỳ linh ứng Đại Vương, cho tổ chức tế lễ theo quốc lễ . Vua Hùng phóng chỉ ban, hẹn cho Hoa Đào trang tổ chức đón rước Thần hiệu, trùng tu miếu điện, phụng sự Thần nghiêm cẩn và lưu truyền hương hoả vạn đời, để Vĩnh công mãi linh ứng phù hộ cho dân )
Thư lại Lễ bộ Lý triều Chương thánh Gia Khánh nhị niên phụng soạn ( 15tháng 8 năm 548) . Tú tài Giáo học Đinh Đăng Quát cẩn sao. Cấm cung Bát Hải động Đìnn linh từ, chính nguyệt, sơ thập nhật, Quý Dậu niên ( chép lại ngày mồng 10 tháng giêng năm 1933) .

4 -  Khải Định cửu niên , thất nguyệt , nhị thập  ngũ nhật .( ngày 25/7/1924 )
Sắc ! Thái Bình tỉnh , Phụ Dực huyện , Vọng lỗ tổng , Đào Động xã . Phụng sự  Trấn tây an nam , tam kỳ linh ứng tôn thần .
Nẫm trứ  linh ứng , tứ kim phi thừa. Cảnh mệnh miễn niệm thần hưu, trứ phong vi dực bảo Trung hưng  linh phù chi thần, chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ, tương hữu bảo ngã lê dân .
Khâm tai !...

Câu thành ngữ dân gian : Tháng 8 giỗ Cha , tháng 3 giỗ Mẹ chính là để chỉ Hội tháng 8 ở  Đền Đồng Bằng và Hội tháng 3 ở Đền Mẫu Phủ Dày .
Đền đồng Bằng là nơi "đi trình về tạ" của các bản Hội tín ngưỡng trong toàn quốc từ xa xưa .
Vì sao Đền Đồng Bằng thờ Vĩnh công Đại Vương lại có tên là Đền Đức Vua, hay còn gọi là Đền Đức Vua Bát Hải ? Tên này có từ bao giờ ?

Theo các cụ thì : dựa vào truyền thuyết Vĩnh công chính là Thái Tử Giao Long ( như đã thuật ở phần trên, ngài là con vợ thứ của Lạc Long Quân ) . Vì thế khi Hùng Vương 18  cáo chung, Vua An Dương Vương Thục Phán lên ngôi, tuy cũng là dân Bách Việt nhưng thuộc dòng ngoại tộc , trong khi Vĩnh công đã hoá thần nhưng cực kỳ linh hiển phù trợ cho dân đất Việt, vì thế mà dân tôn sùng gọi ngài là Đức Vua .

Lại có thuyết rằng : Sau khi đánh thắng giặc phương Bắc trên 8 cửa biển, Vua Hùng  giao cho Vĩnh công cai quản vùng duyên hải Lạc Việt - Văn Lang ,  đặt tên là Tây Đô, vì thế dân gian gọi ngài là Đức Vua là từ ý này ... Đã có 1 thời gian , chúng tôi trăn trở rằng : vùng duyên hải ở phía đông Văn Lang - Lạc Việt , sao lại gọi là Tây Đô ?  Mãi sau mới hiểu ra là  so với địa thế Bách Việt ( dưới nước Hoa Hạ cổ ), thì Lạc Việt ở hướng Tây. Chứng cứ còn lại là vùng đất của Bách Việt ở sát ngay trên nước ta bây giờ, gọi là tỉnh Quảng Tây  (TQ), cho nên ngày ấy vùng duyên hải Lạc Việt có tên Tây Đô vì thế  .

Lại có thuyết: tên Đền Đức Vua có từ thời Trần, vì sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời, bài vị của ngài được thờ tại Đền này. Mà theo thứ bậc nội tộc nhà trần, thì Hưng Đạo Vương vốn là đích tôn giòng trưởng, tuy không làm vua nhưng sự nghiệp bao trùm cả 1 giai đoạn oanh liệt của triều Trần, vì thế dân tôn ngài là Đức Vua sau khi  ngài tạ thế .
Nhưng dù  gọi tên Đền Đức Vua ở thời điểm nào, thì hiện nay, chúng ta đều ghi nhận Đền Đồng Bằng thờ những "Trọng Nhân " mà sự nghiệp chi phối cả 1 thời  trong lịch sử đất Việt .
Đôi lời về truyền thuyết Vĩnh Công: Chắc cũng  giống như nhiều Dân tộc khác trên Thế Giới, Dân tộc Việt cổ vì ngưỡng vọng quá mà Thần thánh hoá  những Anh hùng trong Lịch sử của mình  .
Như sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ , thuỷ tổ của Bách Việt , thì có truyền thuyết đẻ ra cái bọc trăm trứng ...

Rồi sự tích Sơn Tinh , sự tích Thánh Gióng  ...
Ngay đến đời Trần , dân đồn rằng Hưng Đạo Vương là 1 vị La Hán xuống trần , Phạm Ngũ Lão là Vũ Khúc Tinh quân giáng thế , Yết Kiêu nhờ nuốt được lông trâu thần mà có tài lặn giỏi ...
Ngay đến TK 20 này , khi Bác Hồ lãnh đạo giành chính quyền thành công năm 1945, lúc ấy dân đồn Cụ là người đặc biệt, mắt có 2 con ngươi ...Khi Bác mất, dân bảo Bác là Ngọc Phật giáng trần ...
Đây là những nhân vật có thật trong lịch sử, chưa xa hiện tại là mấy, nhưng ta đã chứng kiến  dân gian vì quá ngưỡng vọng mà đã Thần Thánh hoá lên như vậy ... Nếu chú ý hơn, ta sẽ thấy: cũng như nhiều Thần tích khác ở đất Đào Động, dân giữ nguyên sự nghiệp, chiến tích có thực của các Vĩ nhân, nhưng lại Thần Thánh hoá nguồn gốc xuất thân và cái chết của họ (hoá Thần). Vì có lẽ quan niệm dân dã xưa cho rằng: chỉ có  những người xuất thân siêu phàm thì mới  làm được những sự nghiệp vĩ đại như thế... Dân thương tiếc không muốn nghĩ là họ đã mất ,  muốn họ sống mãi , bằng cách nói họ hoá Thần, về Trời, về biển ... Với quan niệm như thế, ta sẽ  đánh giá công bằng hơn về sự tích Vĩnh Công, một người anh hùng cứu nước sống cách ta những khoảng 2000 năm, thì bụi thời gian và lòng tín ngưỡng càng khúc xạ thăng hoa lên lung linh đến mức nào ?! ( đến bây giờ còn có nhiều người vẫn cho rằng sự tích Vĩnh Công là hoàn toàn không có thực !) ...Cách nhìn định kiến như thế , có thể sẽ gạt bỏ  đi cả 1 sự nghiệp  vĩ đại của 1 người anh hùng cứu nước thời cổ , mà dân vì ngưỡng vọng quá , dẫn đến  Thần Thánh hoá lên chăng ?

Đền Đồng Bằng hiện nay, còn thờ cả Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, từ năm 1300, sau khi Hưng Đạo Vương qua đời, bài vị của Ngài được thờ cạnh bài vị Vĩnh công tại Đền Đồng Bằng .
Từ tư liệu  mà các nhà sử học đã  nghiên cứu , kết hợp với truyền thuyết dân gian đều chỉ ra rằng: Thời trần , vùng đất A Côi, Phụ Phượng (huyện Quỳnh Phụ bây giờ ) là thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, phụ thân Trần Hưng Đạo. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đất  Đào Động  (Hoa Đào trang cổ  xưa , và cũng  chính là đất  An Lễ bây giờ ) là nơi hội quân của nhà Trần, chuẩn bị cho đại chiến Bạch Đằng... Người con gái nuôi của Hưng Đạo Vương tên là Trần Thị Thái (hay Hoa Đào Công chúa, sau gả cho Phạm Ngũ Lão, chính là người Đào Động ) .
Để tạo thế liên hoàn thủy bộ cho căn cứ Đào Động phù hợp với việc điều chuyển và  tập hợp những đạo quân lớn tại Đào Động, Trần Hưng Đạo cho đào 1 con sông nối thẳng từ khúc quanh phía bắc sông Vĩnh cổ  thông xuống biển , đặt tên là sông Tú giang, sau gọi là sông Cô...
Lại cho khơi một đoạn sông thẳng , nối 2 đầu  khúc lượn phía nam sông Vĩnh cổ ( gần Đền Đồng Bằng) để  tạo ra một tuyến sông thẳng từ của Đại Lẫm ( kho lương thực lớn) xuôi qua trước cửa Đền ra biển ... Từ những kênh, sông mới  ấy  tạo ra một hệ thống thủy đạo thông lợi chưa từng có .
Ngài còn cho mở rộng và cơi cao tuyến đê sông  Đào Động ( sông Vĩnh cổ ) , tạo ra một " đại lộ"  chạy dọc Đào Động trang , vừa để bảo vệ cư dân và mùa màng khỏi nước lụt tràn , vừa để cơ động quân thuận lợi trong căn cứ ... (Theo ghi chép truyền đời của các cụ nhà Nho địa phương.T.)
Bà Trần Thị Thái  chọn khu đầm lầy rộng hàng dặm, dài tới 3 dặm, chạy dọc phía đông nam đất Đào Động (song song với sông Đào Động, tức sông Vĩnh cổ), đầm lầy này có địa thế  lúp xúp lau sậy, giống bãi sông Bạch Đằng ... Bà khoanh vùng, cho canh phòng cẩn mật, để làm nơi luyện thuỷ quân ...
Tương truyền: đội quân Thánh Dực, 1 đội quân thiện chiến thuỷ trận của nhà Trần, được tuyển chọn chủ yếu từ trai tráng Đào Động và trấn  Sơn Nam ...Địa danh Đầm Bà xuất hiện từ đó và tồn tại  cho đến ngày nay , với những cái tên gợi cho ta về  hoạt động thuyền bè như : Đống  Bà Đà ( nơi đóng mới và hạ thuỷ tàu thuyền ) , đống Moi ( một động thái chèo thuyền ) , đống Dầm ( 1 kiểu bơi chèo nhỏ )...

Đền Quan đệ Tam, Đền Quan Thượng ở phía bắc đất Đào Động ( gần đống Đà ) tương truyền là Đại bản doanh của danh tướng Yết Kiêu . Ngày ngày   tướng sĩ đến Đầm Bà tập luyện thuỷ chiến. Bà Trần Thị Thái chọn doi đất  cạnh thôn Đông nhô ra  đầm trũng, làm nơi  để dân  mang hoa quả, quà bánh đến uý lạo quân sĩ tập luyện , sau đó , từ doi đất này mọc lên nhiều bưởi , tên làng Bưởi  còn tồn tại đến ngày nay ( tức thôn Giới  Phúc ).
Trên vùng chợ Đồng Bằng hiện tại, thời Trần  gọi là Thôn Đông, có các di tích: Đình Đông (Đình tháng 8) thờ Thành Hoàng Đường Đô Giám ( một tuỳ tướng của Vĩnh công xưa ) , có Quán Trải ( lớn đủ gác bảo quản 6 Trải lớn  của 6 Giáp , để thi bơi trong Hội tháng 8 ) , Miếu Cảnh Am , Miếu Thu Phan ...Là nơi đóng trại binh trung quân Trần triều .
Dưới Thôn Đông là Thôn Đoài ( giữa đất An Lễ bây giờ ) có Đền quan đệ Nhị , chùa Tây , tĩnh quan  đệ Tứ , tĩnh quan đệ Lục ( miếu giáp Nhị ) . Thời Trần , miếu giáp Nhị là nơi tuyển quân Thánh Dực  .
Tiếp dưới Thôn Đoài là Thôn Lãng, có Đình Lãng thờ Thành Hoàng " Ba Lãng hãn Vệ Đại vương" ( một trong 5 vị Thành Hoàng đã có công giúp Hai Bà Trưng diệt quân Tô Định ), thời Trần, đình Lãng là bản doanh của Danh tướng Phò mã  Nguyễn chế Nghĩa .
Tiếp đến Thôn Dất , cách Đền Đức Vua 600 mét , là Đình Dất , tương truyền thờ  thân Mẫu của Vĩnh công xưa , đời Trần đình Dất là Bản doanh của Điện Tiền Đô uý Phạm Ngũ Lão . Đền quan đệ Bát cổ , là nơi đóng quân của danh tướng Dã tượng và thớt Voi chiến lừng danh của Trần Hưng Đạo . Con voi chiến được điều về Đào Động  cùng với đội voi , ngựa  làm nhiệm vụ tải lương , chuẩn bị cho đại chiến Bạch Đằng .

Đường tải lương từ kho tập kết làng Đợi ( xã Đông Hải ) chở lương ra kho lương A Sào ( nghĩa là lúa gạo , hiện nay là Đền A Sào , xã An Thái , gần sông Hoá ). Tại Đào Động , đến nay vẫn còn 1 cánh đồng mang tên Đồng Tượng ( tượng là Voi) , tại làng Đợi ( Đông Hải ) vẫn còn hình con Voi đắp bằng vữa  để ghi lại sự kiện này . Đền Công Đồng thờ Quan lớn Điều Thất từ thời Hùng vương , đời Trần tương truyền là dinh quân của Danh tướng Trần Quốc Tảng , con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo .
Trần Quốc Tảng là người văn võ song toàn.  Có lẽ đây chính là thời điểm Xảy ra giai thoại lịch sử: Trần Quốc Tảng khuyên cha nhân được phong là Quốc Công Tiết Chế  nắm giữ trọn binh quyền, thì hãy nghĩ đến lời ông nội ( Trần Liễu ), lấy lại ngôi vua cho dòng trưởng ... Hưng Đạo Vương thể hiện lòng trung  bằng cách quát chém Trần Quốc Tảng, các quan xin mãi , Hưng Đạo Vương mới tha và đuổi ra trấn giữ Cảng Vân Đồn ( Cửa Ông, Quảng Ninh bây giờ) . Khi đoàn chiến thuyền của quân Nguyên xâm lược vừa tới Vân Đồn, đã bị quân của Trần Quốc Tảng (cùng Trần Khánh Dư) chặn đánh, đốt cháy phần lớn lương thảo ( thuyền lương giặc cháy dạt vào bờ chồng chất , và nơi ấy có tên là bãi Cháy cho đến ngày nay ), quân Nguyên bị thiệt hại đáng kể về lương thảo , hoang mang về tâm lý  trước khi  tiến vào cửa Bạch Đằng. Trần Quốc Tảng tử trận, được lập Đền thờ tại cửa Ông (danh từ Ông chính là cách gọi tôn trọng Trần Quốc Tảng ). Trở lại đất Đào Động thời điểm trước trận Bạch Đằng , Tĩnh quan Thượng cạnh Đền Đức Vua, tương truyền là nơi Trần Hưng Đạo tạm trú,  ngày ngày ngài lên Đền thờ Đức Vua để dâng hương, tĩnh toạ, nghiền ngẫm trận đồ ...
Xa xa 1 chút  về phía chính bắc đền Đồng Bằng ,  là đống Thần Đồng Hưng nổi lên như 1 quả đồi trên thảm lúa , đống Thần thờ 1 trong 5 vị Thành hoàng đã giúp hai Bà Trưng đánh thắng quân Tô Định xưa , thời Trần ngày ấy , vùng đất bãi phẳng kề cạnh và đống Thần Đồng Hưng  là nơi tập trận của quân sĩ , để sau sẵn sàng tiêu diệt quân Nguyên Mông , khi  gặp tình huống chúng bị chặn đường rút  ra biển bằng thuyền , phải tràn lên bờ sông Bạch Đằng , như ý đồ  tác chiến  của Hưng Đạo Vương ...Vùng bãi  gần đống Thần này , vẫn có tên là Đồng Ông cho đến bây giờ .
Trước ngày tiến quân ra Bạch Đằng cự giặc , Trần Hưng Đạo làm lễ dâng hương tại Đền Đức Vua, Đền quan lớn đệ Tam , lập Đàn cầu Bách Thần đất Việt phù trợ rồi ban lệnh xuất  quân ...
Khi hành quân qua sông Hoá , thuộc xã An Thái bây giờ , chọn lúc nước triều xuống để hàng chục vạn quân vượt sông , con voi chiến bị sa lầy , Hưng Đạo Vương đành bỏ con voi trung thành đã cùng ông qua trăm trận mạc , đang chìm dần trong nước triều cường , để kịp ra trận ... Tương truyền con voi nhìn theo chủ mà rống thảm thiết , mắt nó chảy ra máu ...Hưng Đạo Vương rút gươm chỉ xuống dòng nước mà thề rằng : " Nếu không thắng giặc , ta nguyện không trở về ..." .
Tượng con voi chiến  sau đó  được tạc bằng đá,  hiện thờ tại cửa Đền  A Sào .
Sau chiến thắng Bạch Đằng , Hưng Đạo Vương về tế tạ tại Đền Đức Vua . Năm Trùng Hưng thứ 4 ( 1288) , vua Trần Nhân Tông  tái phong mỹ tự cho Vĩnh Công, cho phép mở mang tu bổ đền phủ , tương truyền mở rộng đến cung đệ nhị bây giờ .
Năm 1300 , khi Hưng Đạo Vương  từ trần , bài vị của ông được lập và thờ cạnh bài vị Vĩnh Công tại cung Cấm trong Đền Đồng Bằng .
Cũng sau chiến thắng quân Nguyên ,  Đào Hoa Công chúa Trần Thị Thái  cho dựng chùa Đông ( gần đình Đông ) , hướng ra Đầm Bà , để cầu siêu thoát cho vong linh các binh sĩ đã tử trận ở Bạch Đằng .
Dân làng Bưởi sau này dựng Miếu thờ Bà ngay sát mép nước Đầm Bà . Tại Quảng Yên - Quảng Ninh ,  tương truyền  trước trận Bạch Đằng , Bà Trần Thị thái đã ra thị sát thuỷ triều , cùng cha nuôi là Hưng đạo Vương lựa  địa thế cắm cọc chặn đường rút của giặc ... Đền thờ Đào Hoa Công chúa được lập ngay bên bờ sông Bạch Đằng  ( ngôi Đền còn tồn tại  đến nay , ngay đầu lối ra phà Rừng từ phía Quảng Yên  )  ...
Theo tạp văn cổ còn lưu lại ở địa phương , vào đời Lê, năm 1440 đời Lê Thái Tông , Danh hào Nguyễn Trãi cùng vợ là Thị Lộ từ Côn sơn về thăm cảnh và  lễ tại Đền Đồng Bằng . Tiết xuân , năm Quang Thuận thứ 2 ( 1461) Vua Lê Thánh Tông kinh lý qua Đào Động  , đến Đền  dâng hương và có thơ vịnh cảnh Đền ( bài thơ rất tiếc đã thất lạc )...
Thời nhà Nguyễn , năm Đinh Sửu ( 1817) Đại công thần Nguyễn Văn Thành là tổng trấn Bắc kỳ , một người có ân với dân , về tế tại đền .
Năm 1924 , vua Khải Định  tái sắc phong cho Vĩnh công , cho phép mở mang Đền phủ , tương truyền đền được mở rộng đến cung đệ tam , cung đệ tứ , xây toà cổng tam quan tồn tại đến bây giờ  ...
Dân gian còn có truyền thuyết rằng :" Tam kỳ linh ứng" Trong hiệu của Đức Vua Bát Hải , không chỉ là ý Ngài phát tích ở ngã ba sông Vĩnh như thường nghĩ, mà còn là 3 lần Ngài hiển linh đánh giặc cứu nước Việt :
Lần 1 - Là Vĩnh công Đại Vương Bát Hải Động Đình
Lần 2 - Linh hiển trong hình tượng Vua Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng .
Lần 3 - Linh hiển hóa thân thành Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn 3 lần đánh thắng quân Nguyên, và lần thắng oai hùng nhất là Đại thắng  thủy chiến Bạch Đằng giang .
Ngay hình tượng quan đệ Tam, 1 vị tướng tài ba của Đức Vua Bát Hải, cũng là Vũ Khúc tinh Quân hiển ứng ...
Đến đời Trần , Ngài lại tiếp 1 lần hiển ứng trong hình tượng danh tướng Phạm Ngũ Lão ...
Chưa xét về mặt Tâm linh , mà như thế cũng đủ thấy dân ta ngưỡng vọng những người anh hùng cứu nước , Thần thánh hóa họ lên ở những "bậc cao nhất" của sự tôn vinh  giữa đời. 

Theo Mantico

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Quan điểm khác về truyền thuyết Vua Cha Bát Hải

Vài dòng nhân đọc bài ... Vua Cha Bát Hải động đình .
Trong tâm thức người Á đông, Rồng là 1 biểu tượng cực kỳ hùng vỹ, mỗi lần rồng hiện là rung chuyển trời đất , sóng gào gió thét ... hình tượng rồng không thể tách rời môi trường của Rồng là biển cả, trong tứ linh: Long-Ly-Quy-Phụng thì Rồng trấn phương Đông ...ghép 2 thông tin biển cả và phương đông ta được ‘biển đông’...thực vậy chỉ ‘biển Đông’ mới xứng đáng với tầm cỡ của Rồng – Long .
Long cung của Long vương không thể nào xây ở cái đầm nước ngọt nông tèn tẹt chỉ vài ba thước nước như ở đầm Vân Mộng được vì vậy họ Thần Long Động Đình của Long mẫu là tổ mẫu của người Việt không thể sống ở vùng Hồ Nam Trung quốc ngày nay.
Thông tin về họ Thần Long ở Động Đình hồ đã mặc nhiên khẳng định Động Đình hồ không phải là cái đầm nước ngọt mang tên Vân Mộng ở Hồ nam, chỉ có biển Đông mới xứng với họ Thần Long do đó Động Đình hồ ... chốn cội nguồn của người họ Hùng nay là người Việt chỉ có thể là miền đất nằm bên bờ Biển đông chứ không thể là bất kỳ nơi nào khác .
Xin đề xuất ý kiến với tác giả Bách Việt Trùng cửu :
Rất có thể :
Vua cha Bát Hải Động Đình và Bát Hải Long Vương là 2 nhân vật khác nhau trong truyền thuyết lịch sử Việt :
Vua cha Bát Hải Động Đình là Động Đình Quân cha của Xích Lân Long nữ, ông ngoại của Lạc Long Quân, trong 18 đời Hùng vương ngài là thủy tổ Hùng Dương Vương, tổ của thị tộc mùa Xuân – phương Đông, trong cổ sử Trung hoa ngài là vua Phục Hy hay Bào Hy .
Ngài cũng là bố vợ của Kinh Dương vương Chúa phương nam đời thứ 3 (sau Đế Nghiêu và đế Thuấn ) tức Tản viên Sơn Thánh quốc Chúa Đại vương; truyện gọi là Sơn tinh, trong 18 đời Hùng Vương là Hùng Việt Vương –Tuấn lang (Tuấn là ký âm của Tản – Tán –Tốn – Tuấn) . Theo Dịch học thì phương Nam cũng là phương Nước ( ≠ lửa – hướng Xích đạo) nên Kinh Dương Vương cũng là Lạc Chúa (nước –nác – Lạc).
Đời Hùng Việt Vương Tuấn Lang là thời tộc danh và quốc danh Việt lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử .
Kinh Dương Vương thứ 3 kết duyên cùng Long nữ con của Vua cha Bát hải Động Đình sinh ra Lạc Long Quân đạo hiệu là Bát Hải Long Vương. Trong vương hiệu Lạc Long Quân thì Lạc chỉ dòng bố, Long chỉ dòng mẹ còn trong thực tế lịch sử thì đây là thời kỳ kết hợp 2 cộng đồng người Hoà bình và Bắc sơn để thành cộng đồng chung: người Việt nước Việt, chính vì điều này mà cổ sử Trung hoa gọi Tản viên là Đại Vũ nghĩa là ‘ông vua lớn’.
Nhưng hợp rồi lại chia ...thực đau lòng Tản viên Đại Vũ vừa mất thì xảy ra chiến tranh dành quyền kế vị giữa 2 thủ lĩnh : Lạc Long Quân tức ông Khải con của Tản viên - Đại Vũ và ông Bá Ích – Ất con của ông Cao Giao Chúa người La – Lửa sống ở phía xích đạo. Kết cuộc ông Bá Ích phải đi lưu vong và ông Khải tức Lạc Long Quân lên ngôi lập nên triều đại Hạ, Hùng vương thế phổ gọi là Hùng Hoa Vương – Hải Lang, danh xưng người Hoa bắt đầu có từ đấy, Hải lang có đạo hiệu là Bát Hải Long Vương nghĩa là Chúa biển Đông .
 Cũng từ đấy người trong thiên hạ chia ra người Hoa Hạ và Di Hạ, Hoa hạ là dân theo Hùng Hoa Vương sống ở vùng Trung tâm, Di Hạ là dân theo ông Bá Ích lưu vong sống ở ‘Tứ phương thiên hạ’, cuộc chiến Hoa Di kéo dài cả trăm năm thì chúa Di Hạ – Dạ lang (di hạ thiết dạ, lang = vương) mới thần phục, thiên hạ lại gom về 1 mối an hưởng thái bình trong thời nhà Hạ trung hưng sử gọi là “Thành Khang chi Trị” .
 
Phản hồi của Bách Việt 18 .

Câu đối đền Hùng:
Khải ngả Nam Giao, Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc
Hiển vu Tây thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ.
Cổ sử Việt đúng là phát triển theo 2 hướng. Hướng Nam, Nam Giao của Nghiêu Thuấn, hướng mở nước của Lạc Long. Đúng là "Hồng Lạc thiên thu tôn Đế quốc". Hướng Tây của Tản Viên, Âu Cơ của dòng Thục, phát triển trên vùng Tam Giang Đà Lô Thao.
Trong thần tích về Tản Viên Sơn Thánh có đoạn Thánh Tản sau khi được cây gậy đầu sinh đầu tử đã cứu sống được con rắn thần, là con của Long Vương Động Đình, rồi đi thăm thủy phủ, lại được thêm quyển sách ước.
Việc kết giao của Sơn Tinh với con của Long Vương Động Đình chính là chỉ chuyện Đại Vũ lấy vợ Đồ Sơn Thị hay Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình.
Tôi nghĩ Bát Hải Long Vương là cha của Xích Lân Long nữ. Còn Vua cha Bát Hải Động Đình là Lạc Long Quân. "Vua cha" vì Lạc Long Quân được gọi là "cha" (quốc tổ). Vua cha Bát Hải Động Đình ở Thái Bình theo thần tích do nàng Quí sinh ra. Nàng Quí là Mẫu Thoải, là Long Nữ Động Đình. Hơn nữa cuộc chiến Hùng - Thục được ghi nhận do Bát Hải Động Đình cùng 10 vị quan lớn tiến hành, chỉ việc Lạc Long Quân đánh dòng của ông Bá Ích.


Văn Nhân viết :

Bách Việt 18 đã làm sáng tỏ  vấn đề  :
Bát Hải Long Vương là cha của Xích Lân Long nữ cũng là Hùng Dương vương – Bào Hy tổ của Dịch học, ngài đã tặng cho con rể là Đại Vũ – Tản Viên Sơn Thánh:

•           Gậy đầu sinh - đầu tử ;  đầu Âm - đầu Dương chính là  Kinh Dịch .
•           Sách ước là Hà Thư - Lạc Đồ .

Bát Hải Động Đình tức Lạc Long Quân cũng là Đế Khải, con của Đại Vũ – Tản Viên và Long nữ – Đồ sơn thị  trong  Hùng triều thế phổ là Hùng Hoa Vương Hải lang .

Đời Hùng Việt Vương: Kinh đô nơi miền núi Tản sông Lô (Tam giang – Tam xuyên ?) tạo nên tên gọi  người Việt .
Hùng Hoa Vương kinh đô trước ở An ấp sau trung hưng ở Dương thành (Quảng châu) khai sinh tên gọi người Hoa .


Hoa và Việt là 2 tên gọi trước và sau của cùng 1 dòng tộc; dòng Hùng Việt .
Hán tộc con dân các Hãn – Mongoloid  hoàn toàn không liên quan máu mủ gì với người Hoa con cháu vua Hùng ???
Theo "Trang chuyên khảo về lic̣h sử và văn minh Hùng Việt"

Theo tôi, việc học giả trên suy luận Bát Hải Long Vương là cha của Xích Lân Long nữ cũng là Hùng Dương vương và Vua cha Bát Hải Động Đình tức Lạc Long Quân cũng là Đế Khải, con của Đại Vũ và con của Mẫu Thoải nên xem xét lại bởi như vậy thì trong Đạo Mẫu Việt Nam Vua cha Bát Hải Động Đình lại được xếp trên Tam tòa Thánh Mẫu kế cận sát Ngọc Hoàng Đại Đế ( trong hàng tam vị Vua cha: Đế Thích, Ngọc Hoàng, Vua Cha Bát Hải Động Đình) trên cả Tiên Thiên Cửu trùng Thánh Mẫu -Cửu Thiên Huyền Nữ. Việc truyền thuyết này nêu nàng Quý thời Vua Hùng sinh ra Lạc Long Quân lại mâu thuẫn với truyền thuyết Kinh Dương Vương Dương sinh ra Lạc Long Quân từ 4000 năm trước và mâu thuẫn với truyền thuyết Lạc Long Quân băn khoăn vì Vua Hùng bị giặc Thục xâm lăng nên cử vợ (nằng Quý) và Thái tử Long Cung đầu thai xuống trần giúp vua Hùng dẹp giặc!  
Theo tôi, nếu theo các truyền thuyết và cổ sử trên thì Bát Hải Long Vương là Vua cha Bát Hải Động Đình sẽ chính xác hơn !

Quản trị

Một số quan điểm về truyền thuyết Vua Cha Bát Hải Động Đình



Lần tìm về gốc của Đạo Mẫu và hệ thống Tứ phủ thì không thể không ghé đền Đồng Bằng, nay thuộc xã An Lễ - Quỳnh Phụ - Thái Bình. Nơi đây là đền thờ Vua cha Bát Hải Động Đình cùng quần thể một loạt đền thờ các Quan lớn khác ở vùng lân cận. Tóm tắt thần tích đền Đồng Bằng như sau:
Trên bờ sông Vĩnh, thuộc Đào Hoa Trang, Trấn Sơn Nam, Quận Giao Chỉ có 2 vợ chồng ông Phạm Túc và bà Trần Thị là người Trang An Cố (thuộc Thuỵ Anh - Thái Bình ngày nay) đã lớn tuổi, sống phúc hậu mà không có con. Một lần, họ ngược dòng đánh cá đến Trang Hoa Đào và tình cờ gặp cô gái nhỏ bên sông Vĩnh. Ông bà đón cô gái về nuôi tại An Cố, đặt tên là Quý Nương. Mấy năm sau, khi tròn 18 tuổi, Quý Nương rất xinh đẹp, đoan trang.
Một lần Quý Nương ra cửa sông tắm, thì có một con Hoàng Long hiện lên quấn chặt lấy người. Một thời gian sau, Quý Nương có thai. Bà trở về quê Hoa  Đào trang sinh sống. Bà mang thai đúng 13 tháng, vào đúng đêm ngày mồng 10 tháng giêng bà sinh ra một cái bọc giữa ánh hào quang phát sáng rực. Quý Nương sợ hãi, ôm bọc thai thả xuống sông Vĩnh. Cũng đêm ấy có một người cất vó bên sông tên là Nguyễn Minh vớt được cái bọc đó. Ông rạch bọc ra thì thấy có ánh sáng phát chói loà, từ trong bọc chui ra 3 con Hoàng Xà, đầu rồng mình rắn. Con lớn nhất vượt sông lên bờ, chui vào náu thân trong một giếng nước. Đó chính là giếng thiêng trong cấm cung đền Đồng Bằng bây giờ. Còn 2 Hoàng Xà nhỏ, bơi xuôi theo dòng nước chảy dọc sông Vĩnh, một con dạt vào Thanh Do Trang (thuộc Thái Ninh bây giờ), con nhỏ nhất bơi đến tận An Cố trang (Mai Diêm - Thuỵ Anh).
Lại nói vua Hùng ngày ấy đã già, lại không con trai nối dõi. Giặc Thục nhân cơ hội liên kết với Ai Lao, Vạn Tượng đem quân sang tấn công Văn Lang. Vua Hùng lập đàn cầu Trời được Thanh Y Tiên Ông mách cho về Hoa Đào trang mà triệu, sẽ có dị nhân đánh tan giặc biển.
Vua Hùng sai sứ giả về Hoa Đào trang (tức đất An Lễ bây giờ) để truyền chỉ dụ triệu kỳ nhân dẹp giặc. Sứ giả đến bên giếng xướng truyền sắc chỉ thì thấy Hoàng Xà hiện ra rồi bỗng hoá thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với Vua Hùng là sẽ triệu 2 em, tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả 8 cửa biển nước Nam, hứa sau 3 ngày là giặc tan. Từ đó, ngài có tên là Vĩnh Công ...
Sắc phong đời vua Lý Thánh Tông cho thần là Tam kỳ linh ứng Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình. Lễ hội đền Đồng Bằng tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch hàng năm (Tháng Tám giỗ cha…).
Theo thần tích trên thì Vua cha Bát Hải Động Đình là một nhân thần (nhân vật lịch sử có thật đã được thần thánh hóa) ở thời Hùng Vương, có công dẹp yên giặc Thục. Nhưng tại sao Bát Hải Động Đình lại là người bắt đầu đạo Mẫu ở Việt Nam? Và đã là ở thời Hùng Vương thì Vua cha Bát Hải chẳng nhẽ không phải là vua Hùng?
Câu đối ở đền Sinh, tương truyền là nơi Quý Nương sinh Hoàng Xà:
Đào Giang Động Khẩu kỳ thiên tích
Sinh hóa thần tiên vạn cổ truyền.
Dịch:
Sinh hóa thần tiên truyền vạn thế
Sông Đào cửa Động tích kỳ nghìn.
Chữ Động 洞 trong Động Đình hay Đào Động ở đây không phải chỉ khu vực hay đơn vị hành chính. “Động khẩu” – cửa Động cho thấy đây là tên riêng. Động là tính chất của phương Đông. Động khẩu là cửa biển phía Đông. Động Đình hồ là cái hồ lớn phía Đông hay chính là biển Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình không hề ở hồ Động Đình bên Vân Nam, có 8 cửa thông ra biển như kiểu giải thích nguyên nghĩa thông thường. Hồ Vân Mộng ở Vân Nam ở xa biển đi máy bay chẳng tới, nói gì đến có 8 cửa biển.
Câu đối ở cổng tam quan đền Đồng Bằng:
Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích
Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh.
Dịch:
Bậc thượng thần bốn nghìn năm đất nước, rồng bay biển Bát truyền tích lạ
Xuất thế gian mười tám hiệu triều Hùng, hổ chầu sông Đào nổi linh thiêng.
Căn cứ vào việc Vua Cha Bát Hải Động Đình đánh Thục giúp Hùng Vương thứ 18 mà các tác giả trước đây cho rằng chuyện này xảy ra vào cuối thời Hùng, cách đây chỉ có 2000 năm. Câu đối trên đọc kỹ cho thấy thông tin hoàn toàn khác. Bát Hải Động Đình đã là thần từ 4000 năm nay và xuất thế vào thời 18 đời Hùng Vương.
Trong câu đối trên Bát Hải là địa danh chứ không phải tên người. “Rồng bay biển Bát” chỉ tích Hoàng Xà xuất hiện ở vùng biển. Đối lại, “hổ chầu sông Đào” chỉ các vị Quan lớn dưới trướng Vĩnh Công. Bát không phải là số 8 (trong 8 cửa biển) mà là con số chỉ phương Đông của Hà Thư. Bát Hải là chỉ biển Đông ngày nay. Bát Hải Động Đình là vua biển Đông.
Truyền thuyết về nguồn gốc Mẫu Thoải, người cai quản Thủy phủ trong đạo Mẫu, cho thông tin về Long vương Động Đình:
 - Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở Ðộng Ðình hồ, gặp Kinh Dương Vương đi tuần thú phương nam, hai người kết hôn, sinh ra Lạc Long Quân, thuỷ tổ của tộc Việt.
- Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở hồ Ðộng Ðình, lấy Kinh Xuyên, sau bị vợ hai của Kinh Xuyên là Thảo Mai đố kỵ, vu oan, nên bị chồng nhốt cũi bỏ vào rừng cho thú ăn thịt nhưng Bà được cứu thoát, đới sau kính phục đức độ của Bà, suy tôn là Mẫu Thoải.
Hai truyền thuyết trên chỉ là một vì Xuyên = Giang = Dương. Kinh Xuyên = Kinh Dương Vương.
Mẫu Thoải là người đã kết hôn với Kinh Dương Vương, sinh ra Lạc Long Quân. Tới đây thì thấy rõ Vua cha Bát Hải Động Đình chính là Thần Long Động Đình trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng, là ông ngoại của Lạc Long Quân. Câu hỏi về đạo Mẫu được giải đáp. Đạo Mẫu không phải chỉ là đạo thờ các bà mẹ với nguyên lý của thời mẫu hệ, mà là đạo khai mở từ đức Lạc Long ở biển Đông, tôn thờ dòng tộc Động Đình bên ngoại của mình.
Cũng vì thế mà quốc mẫu Âu Cơ không được xếp thành thánh Mẫu nào cả trong hệ thống Tứ phủ vì Âu Cơ là cháu Đế Nghi, Đế Nghi là anh trai của Lộc Tục – Kinh Dương Vương. Âu Cơ là bên họ nội của Lạc Long Quân.

Câu đối ở cột đá trên đền Hùng – Phú Thọ:
Vân ám Động Đình long đồ giáng
Nguyệt khoa Lĩnh biểu hạc qui lai.
Dịch:
Mây phủ Động Đình Rồng xuất thế
Trăng soi Nghĩa Lĩnh Hạc bay về.
Câu trên mỗi chỗ chép một khác nhưng chắc chắn bắt đầu bằng “Vân ám Động Đình”, là nơi cha Rồng xuất hiện. Trong truyền thuyết Lạc Long Quân luôn gắn liền với quê mẹ ở Động Đình. 50 người con theo cha xuống biển tức là về quê ngoại ở biển Đông. Điều này giải thích vì sao tín ngưỡng Tứ phủ và vua cha Bát Hải lại được người Việt coi trọng như vậy.

Câu đối ở điện thờ Vua cha Bát Hải tại đền Đồng Bằng:
Bình Thục trứ nguyên huân, mỹ tai Hồng Lạc sơn hà, bi kệ trường minh Đào Động miếu
Lịch triều long tự điển, tế thử Á Âu phong hội, sương uy do tại hải môn thu.
Dịch:
Trải triều đại thịnh dày năm xưa, đúng đây hội tục Á Âu, màn uy còn tại tiết thu cửa biển
Dẹp quân Thục công đầu tiếng nổi, đẹp thay Lạc Hồng sông núi, bia đá mãi sáng nơi miếu Động Đào.

Đào Động – Hoa Đào trang là đất của Vua cha Bát Hải Động Đình. Cũng ngay gần đền Đồng Bằng, bên huyện Thái Thụy của Thái Bình, trong thần tích đền Bà Chúa thờ Vương Chiêu Quân thời Tây Hán cho biết vùng này xưa được gọi là “Phủ Hạ bát đụn tang”. Chữ “bát” ở đây cũng tương tự như trong Bát Hải, là con số chỉ phương Đông. “Phủ Hạ bát đụn tang” phải hiểu là Gò đất lớn ở phía Đông của nhà Hạ.
Đào – Hoa – Hạ chỉ là một, chỉ vùng đất xứ nóng. Lạc Long Quân ở đất Đào hay Hoa Hạ, thật quá chính xác. Nếu Tản Viên – Kinh Dương Vương là Hạ Vũ trị thủy thì Lạc Long Quân chính là Hạ Khải của Hoa sử. Sau thời kỳ biển tiến, gây cơn đại hồng thủy thời Hạ Vũ, nước biển rút xuống, hình thành “Đồng Bằng” châu thổ sông Hồng (Đào giang). Lạc Long Quân cùng 50 người con tiến xuống chinh phục vùng Đồng Bằng ven biển Động Đình, khai mở nhà Hạ của Hoa sử.

Tới đây ta chợt hiểu bài ca dao:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường thức đủ năm canh
Tiết trời thu lảnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bổng bồng bông, bổng bồng bông
Võng Đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên.

Nếu lấy 2 câu đầu và cuối:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ…
Võng Đào mẹ bế con rồng cháu tiên.

Thì thật rõ ràng đạo Mẫu của Việt Nam bắt đầu từ Động Đình thời Đào – Hoa – Hạ của Lạc Long Quân.
Câu đối ở chính điện đền Đồng Bằng:
Phù dực Hùng triều, Đào lãng ân lưu giang dĩ Bắc
Thái bình Thục lỗ, Động thiên uy chấn hải chi Nam.
Dịch:
Phò giúp triều Hùng, sóng Đào lưu ơn nơi sông Bắc
Dẹp yên giặc Thục, trời Động oai nổi chốn biển Nam.
“Động thiên”
Thêm một lần nữa cho thấy “Động” không phải là từ chỉ đơn vị hành chính mà là tên riêng, chỉ phương Đông.

Vấn đề hóc búa nhất khi giải mã truyền thuyết này: Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đã giúp vua Hùng đánh giặc Thục, tuyển mộ các vị quan lớn từ Quan đệ nhất, Quan đệ nhị, Quan đệ tam,… đều là của thời Hùng đánh Thục. Vua Bát Hải Động Đình đã xác định là thời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân cách đây 4000 năm. Vậy làm sao có thể là thời Hùng Vương 18 đánh Thục? Thời Thục An Dương Vương chỉ mới cách đây hơn 2000 năm. Cũng tương tự nhiều thần tích chép Tản Viên Sơn Thánh trị thủy từ thủa hồng hoa lại giúp vua Hùng đánh Thục ở cuối triều Hùng, thật vô cùng kỳ bí.
Chỉ khi nhận ra Tản Viên là Hạ Vũ, Lạc Long Quân là Hạ Khải thì vấn đề trên trở nên sáng tỏ. Cuộc chiến Hùng – Thục thứ nhất mà phần thắng thuộc về Hùng vương không phải ở thời Thục Phán An Dương Vương mà là cuộc tranh giành vương vị của Hạ Khải với con cháu của dòng Đế Nghiêu (Đế Nghi) cách đây 4000 năm. Kết quả ông Bá Ích phải dẫn dòng họ Cơ của Hùng Vũ chạy lên đất Kỳ Sơn. Con cháu họ Cơ sau này là Chu Văn Vương – Chu Vũ Vương làm nên cuộc chiến Hùng – Thục thứ hai, với phần thắng thuộc về nhà Chu Thục trước Ân Trụ Vương cách đây 3000 năm.
Mọi việc trở nên thật rõ ràng. Tản Viên Sơn Thánh là Hạ Vũ, tổ của nhà Hạ nên truyền thuyết mới chép Thánh Tản giúp vua Hùng đánh Thục. Thực ra người đánh Thục là con của Hạ Vũ, là ông Khải – Lạc Long Quân. Nhưng vì Tản Viên – Hạ Vũ là ông tổ đầu tiên của nhà Hạ nên truyền thuyết vẫn chép vào thành Sơn Tinh đánh Thục.
Cuộc chiến Hùng - Thục thứ nhất này còn thể hiện ngay trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng khi Lạc Long Quân và Âu Cơ “thủy hỏa xung khắc”, chia đàn con Bách Việt thành 2 nhánh. Nhánh theo mẹ Âu Cơ lên rừng lập nước Văn Lang, đô ở Phong Châu là nhánh Thục. Nhánh theo cha Lạc Long xuống biển Động Đình, xây dựng Hoa Đào trang.
Lạc Long Quân nhờ sự giúp đỡ của bên ngoại ở Động Đình phía Đông đã làm cuộc “đảo chính”, đánh nhóm dòng tộc phía Tây (Thục), lập nên nhà Hạ. 10 vị Quan lớn của Tứ phủ hẳn là các quan trấn giữ các vùng dưới triều Hạ. Do đó, bên ngoại Lạc Long Quân đã được tôn thờ trong Đạo Mẫu. Dấu vết nhà Hạ để lại chính là cả một hệ thống đạo Mẫu cổ xưa với đầy đủ nghi lễ, thứ bậc và chỉ có ở Việt Nam. Đạo Mẫu xuất hiện từ thời Lạc Long Quân, tức là còn có trước Đạo Giáo của Lão Tử hình thành thời Chu Thục sau này. Đạo Mẫu không phải là tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo như vẫn nghĩ. Tuy nhiên cả 2 đều coi Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức là Hoàng Đế Hiên Viên ở ngôi cao nhất. Đây là 2 tín ngưỡng của nhà Hạ và nhà Chu khác nhau nhưng có chung một nguồn gốc dân tộc từ thời Hùng Vũ (vua Hùng).

Câu đối ở đền Đồng Bằng:
Bát Hải linh từ, đại đế phong thần lưu thiên cổ
Động Đào cố địa, phù Hùng hiển thánh chấn Tam Giang.
Dịch:
Đền linh Bát Hải, đế vương phong thần lưu nghìn thủa
Đất cũ Động Đào, giúp Hùng hóa thánh nổi Tam Giang.
Tam Giang là tên cũ chỉ nước Việt, nơi có 3 con sông Đà Lô Thao gặp nhau ở ngã ba Bạch Hạc.

Thật kỳ lạ, trong truyền thuyết Việt có đầy đủ mọi thứ của Hoa sử, khớp tới từng chi tiết. Nhà Hạ, thời kỳ đầu lịch sử của người Hoa, bắt đầu chính từ vùng Đồng Bằng ven biển Động Đình. Nay năm Nhâm Thìn 2012, cha Rồng lại xuất hiện trên biển Bát. Lịch sử 4000 năm của người Việt sẽ được trả về đúng chủ nhân của nó.

Văn nhân góp ý:
...Đào Động – Hoa Đào trang là đất của Vua cha Bát Hải Động Đình... đọc bài viết rồi mới nhận ra ... chữ Hoa và chữ Hải đã nằm sẵn trong danh xưng: Hùng Hoa vương - Hải lang.
Bài viết thực quan trọng đối với Sử thuyết Hùng Việt ... xin cảm ơn Bách Việt 18.

Theo Mantico