Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Quan điểm khác về truyền thuyết Vua Cha Bát Hải

Vài dòng nhân đọc bài ... Vua Cha Bát Hải động đình .
Trong tâm thức người Á đông, Rồng là 1 biểu tượng cực kỳ hùng vỹ, mỗi lần rồng hiện là rung chuyển trời đất , sóng gào gió thét ... hình tượng rồng không thể tách rời môi trường của Rồng là biển cả, trong tứ linh: Long-Ly-Quy-Phụng thì Rồng trấn phương Đông ...ghép 2 thông tin biển cả và phương đông ta được ‘biển đông’...thực vậy chỉ ‘biển Đông’ mới xứng đáng với tầm cỡ của Rồng – Long .
Long cung của Long vương không thể nào xây ở cái đầm nước ngọt nông tèn tẹt chỉ vài ba thước nước như ở đầm Vân Mộng được vì vậy họ Thần Long Động Đình của Long mẫu là tổ mẫu của người Việt không thể sống ở vùng Hồ Nam Trung quốc ngày nay.
Thông tin về họ Thần Long ở Động Đình hồ đã mặc nhiên khẳng định Động Đình hồ không phải là cái đầm nước ngọt mang tên Vân Mộng ở Hồ nam, chỉ có biển Đông mới xứng với họ Thần Long do đó Động Đình hồ ... chốn cội nguồn của người họ Hùng nay là người Việt chỉ có thể là miền đất nằm bên bờ Biển đông chứ không thể là bất kỳ nơi nào khác .
Xin đề xuất ý kiến với tác giả Bách Việt Trùng cửu :
Rất có thể :
Vua cha Bát Hải Động Đình và Bát Hải Long Vương là 2 nhân vật khác nhau trong truyền thuyết lịch sử Việt :
Vua cha Bát Hải Động Đình là Động Đình Quân cha của Xích Lân Long nữ, ông ngoại của Lạc Long Quân, trong 18 đời Hùng vương ngài là thủy tổ Hùng Dương Vương, tổ của thị tộc mùa Xuân – phương Đông, trong cổ sử Trung hoa ngài là vua Phục Hy hay Bào Hy .
Ngài cũng là bố vợ của Kinh Dương vương Chúa phương nam đời thứ 3 (sau Đế Nghiêu và đế Thuấn ) tức Tản viên Sơn Thánh quốc Chúa Đại vương; truyện gọi là Sơn tinh, trong 18 đời Hùng Vương là Hùng Việt Vương –Tuấn lang (Tuấn là ký âm của Tản – Tán –Tốn – Tuấn) . Theo Dịch học thì phương Nam cũng là phương Nước ( ≠ lửa – hướng Xích đạo) nên Kinh Dương Vương cũng là Lạc Chúa (nước –nác – Lạc).
Đời Hùng Việt Vương Tuấn Lang là thời tộc danh và quốc danh Việt lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử .
Kinh Dương Vương thứ 3 kết duyên cùng Long nữ con của Vua cha Bát hải Động Đình sinh ra Lạc Long Quân đạo hiệu là Bát Hải Long Vương. Trong vương hiệu Lạc Long Quân thì Lạc chỉ dòng bố, Long chỉ dòng mẹ còn trong thực tế lịch sử thì đây là thời kỳ kết hợp 2 cộng đồng người Hoà bình và Bắc sơn để thành cộng đồng chung: người Việt nước Việt, chính vì điều này mà cổ sử Trung hoa gọi Tản viên là Đại Vũ nghĩa là ‘ông vua lớn’.
Nhưng hợp rồi lại chia ...thực đau lòng Tản viên Đại Vũ vừa mất thì xảy ra chiến tranh dành quyền kế vị giữa 2 thủ lĩnh : Lạc Long Quân tức ông Khải con của Tản viên - Đại Vũ và ông Bá Ích – Ất con của ông Cao Giao Chúa người La – Lửa sống ở phía xích đạo. Kết cuộc ông Bá Ích phải đi lưu vong và ông Khải tức Lạc Long Quân lên ngôi lập nên triều đại Hạ, Hùng vương thế phổ gọi là Hùng Hoa Vương – Hải Lang, danh xưng người Hoa bắt đầu có từ đấy, Hải lang có đạo hiệu là Bát Hải Long Vương nghĩa là Chúa biển Đông .
 Cũng từ đấy người trong thiên hạ chia ra người Hoa Hạ và Di Hạ, Hoa hạ là dân theo Hùng Hoa Vương sống ở vùng Trung tâm, Di Hạ là dân theo ông Bá Ích lưu vong sống ở ‘Tứ phương thiên hạ’, cuộc chiến Hoa Di kéo dài cả trăm năm thì chúa Di Hạ – Dạ lang (di hạ thiết dạ, lang = vương) mới thần phục, thiên hạ lại gom về 1 mối an hưởng thái bình trong thời nhà Hạ trung hưng sử gọi là “Thành Khang chi Trị” .
 
Phản hồi của Bách Việt 18 .

Câu đối đền Hùng:
Khải ngả Nam Giao, Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc
Hiển vu Tây thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ.
Cổ sử Việt đúng là phát triển theo 2 hướng. Hướng Nam, Nam Giao của Nghiêu Thuấn, hướng mở nước của Lạc Long. Đúng là "Hồng Lạc thiên thu tôn Đế quốc". Hướng Tây của Tản Viên, Âu Cơ của dòng Thục, phát triển trên vùng Tam Giang Đà Lô Thao.
Trong thần tích về Tản Viên Sơn Thánh có đoạn Thánh Tản sau khi được cây gậy đầu sinh đầu tử đã cứu sống được con rắn thần, là con của Long Vương Động Đình, rồi đi thăm thủy phủ, lại được thêm quyển sách ước.
Việc kết giao của Sơn Tinh với con của Long Vương Động Đình chính là chỉ chuyện Đại Vũ lấy vợ Đồ Sơn Thị hay Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình.
Tôi nghĩ Bát Hải Long Vương là cha của Xích Lân Long nữ. Còn Vua cha Bát Hải Động Đình là Lạc Long Quân. "Vua cha" vì Lạc Long Quân được gọi là "cha" (quốc tổ). Vua cha Bát Hải Động Đình ở Thái Bình theo thần tích do nàng Quí sinh ra. Nàng Quí là Mẫu Thoải, là Long Nữ Động Đình. Hơn nữa cuộc chiến Hùng - Thục được ghi nhận do Bát Hải Động Đình cùng 10 vị quan lớn tiến hành, chỉ việc Lạc Long Quân đánh dòng của ông Bá Ích.


Văn Nhân viết :

Bách Việt 18 đã làm sáng tỏ  vấn đề  :
Bát Hải Long Vương là cha của Xích Lân Long nữ cũng là Hùng Dương vương – Bào Hy tổ của Dịch học, ngài đã tặng cho con rể là Đại Vũ – Tản Viên Sơn Thánh:

•           Gậy đầu sinh - đầu tử ;  đầu Âm - đầu Dương chính là  Kinh Dịch .
•           Sách ước là Hà Thư - Lạc Đồ .

Bát Hải Động Đình tức Lạc Long Quân cũng là Đế Khải, con của Đại Vũ – Tản Viên và Long nữ – Đồ sơn thị  trong  Hùng triều thế phổ là Hùng Hoa Vương Hải lang .

Đời Hùng Việt Vương: Kinh đô nơi miền núi Tản sông Lô (Tam giang – Tam xuyên ?) tạo nên tên gọi  người Việt .
Hùng Hoa Vương kinh đô trước ở An ấp sau trung hưng ở Dương thành (Quảng châu) khai sinh tên gọi người Hoa .


Hoa và Việt là 2 tên gọi trước và sau của cùng 1 dòng tộc; dòng Hùng Việt .
Hán tộc con dân các Hãn – Mongoloid  hoàn toàn không liên quan máu mủ gì với người Hoa con cháu vua Hùng ???
Theo "Trang chuyên khảo về lic̣h sử và văn minh Hùng Việt"

Theo tôi, việc học giả trên suy luận Bát Hải Long Vương là cha của Xích Lân Long nữ cũng là Hùng Dương vương và Vua cha Bát Hải Động Đình tức Lạc Long Quân cũng là Đế Khải, con của Đại Vũ và con của Mẫu Thoải nên xem xét lại bởi như vậy thì trong Đạo Mẫu Việt Nam Vua cha Bát Hải Động Đình lại được xếp trên Tam tòa Thánh Mẫu kế cận sát Ngọc Hoàng Đại Đế ( trong hàng tam vị Vua cha: Đế Thích, Ngọc Hoàng, Vua Cha Bát Hải Động Đình) trên cả Tiên Thiên Cửu trùng Thánh Mẫu -Cửu Thiên Huyền Nữ. Việc truyền thuyết này nêu nàng Quý thời Vua Hùng sinh ra Lạc Long Quân lại mâu thuẫn với truyền thuyết Kinh Dương Vương Dương sinh ra Lạc Long Quân từ 4000 năm trước và mâu thuẫn với truyền thuyết Lạc Long Quân băn khoăn vì Vua Hùng bị giặc Thục xâm lăng nên cử vợ (nằng Quý) và Thái tử Long Cung đầu thai xuống trần giúp vua Hùng dẹp giặc!  
Theo tôi, nếu theo các truyền thuyết và cổ sử trên thì Bát Hải Long Vương là Vua cha Bát Hải Động Đình sẽ chính xác hơn !

Quản trị

Một số quan điểm về truyền thuyết Vua Cha Bát Hải Động Đình



Lần tìm về gốc của Đạo Mẫu và hệ thống Tứ phủ thì không thể không ghé đền Đồng Bằng, nay thuộc xã An Lễ - Quỳnh Phụ - Thái Bình. Nơi đây là đền thờ Vua cha Bát Hải Động Đình cùng quần thể một loạt đền thờ các Quan lớn khác ở vùng lân cận. Tóm tắt thần tích đền Đồng Bằng như sau:
Trên bờ sông Vĩnh, thuộc Đào Hoa Trang, Trấn Sơn Nam, Quận Giao Chỉ có 2 vợ chồng ông Phạm Túc và bà Trần Thị là người Trang An Cố (thuộc Thuỵ Anh - Thái Bình ngày nay) đã lớn tuổi, sống phúc hậu mà không có con. Một lần, họ ngược dòng đánh cá đến Trang Hoa Đào và tình cờ gặp cô gái nhỏ bên sông Vĩnh. Ông bà đón cô gái về nuôi tại An Cố, đặt tên là Quý Nương. Mấy năm sau, khi tròn 18 tuổi, Quý Nương rất xinh đẹp, đoan trang.
Một lần Quý Nương ra cửa sông tắm, thì có một con Hoàng Long hiện lên quấn chặt lấy người. Một thời gian sau, Quý Nương có thai. Bà trở về quê Hoa  Đào trang sinh sống. Bà mang thai đúng 13 tháng, vào đúng đêm ngày mồng 10 tháng giêng bà sinh ra một cái bọc giữa ánh hào quang phát sáng rực. Quý Nương sợ hãi, ôm bọc thai thả xuống sông Vĩnh. Cũng đêm ấy có một người cất vó bên sông tên là Nguyễn Minh vớt được cái bọc đó. Ông rạch bọc ra thì thấy có ánh sáng phát chói loà, từ trong bọc chui ra 3 con Hoàng Xà, đầu rồng mình rắn. Con lớn nhất vượt sông lên bờ, chui vào náu thân trong một giếng nước. Đó chính là giếng thiêng trong cấm cung đền Đồng Bằng bây giờ. Còn 2 Hoàng Xà nhỏ, bơi xuôi theo dòng nước chảy dọc sông Vĩnh, một con dạt vào Thanh Do Trang (thuộc Thái Ninh bây giờ), con nhỏ nhất bơi đến tận An Cố trang (Mai Diêm - Thuỵ Anh).
Lại nói vua Hùng ngày ấy đã già, lại không con trai nối dõi. Giặc Thục nhân cơ hội liên kết với Ai Lao, Vạn Tượng đem quân sang tấn công Văn Lang. Vua Hùng lập đàn cầu Trời được Thanh Y Tiên Ông mách cho về Hoa Đào trang mà triệu, sẽ có dị nhân đánh tan giặc biển.
Vua Hùng sai sứ giả về Hoa Đào trang (tức đất An Lễ bây giờ) để truyền chỉ dụ triệu kỳ nhân dẹp giặc. Sứ giả đến bên giếng xướng truyền sắc chỉ thì thấy Hoàng Xà hiện ra rồi bỗng hoá thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với Vua Hùng là sẽ triệu 2 em, tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả 8 cửa biển nước Nam, hứa sau 3 ngày là giặc tan. Từ đó, ngài có tên là Vĩnh Công ...
Sắc phong đời vua Lý Thánh Tông cho thần là Tam kỳ linh ứng Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình. Lễ hội đền Đồng Bằng tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch hàng năm (Tháng Tám giỗ cha…).
Theo thần tích trên thì Vua cha Bát Hải Động Đình là một nhân thần (nhân vật lịch sử có thật đã được thần thánh hóa) ở thời Hùng Vương, có công dẹp yên giặc Thục. Nhưng tại sao Bát Hải Động Đình lại là người bắt đầu đạo Mẫu ở Việt Nam? Và đã là ở thời Hùng Vương thì Vua cha Bát Hải chẳng nhẽ không phải là vua Hùng?
Câu đối ở đền Sinh, tương truyền là nơi Quý Nương sinh Hoàng Xà:
Đào Giang Động Khẩu kỳ thiên tích
Sinh hóa thần tiên vạn cổ truyền.
Dịch:
Sinh hóa thần tiên truyền vạn thế
Sông Đào cửa Động tích kỳ nghìn.
Chữ Động 洞 trong Động Đình hay Đào Động ở đây không phải chỉ khu vực hay đơn vị hành chính. “Động khẩu” – cửa Động cho thấy đây là tên riêng. Động là tính chất của phương Đông. Động khẩu là cửa biển phía Đông. Động Đình hồ là cái hồ lớn phía Đông hay chính là biển Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình không hề ở hồ Động Đình bên Vân Nam, có 8 cửa thông ra biển như kiểu giải thích nguyên nghĩa thông thường. Hồ Vân Mộng ở Vân Nam ở xa biển đi máy bay chẳng tới, nói gì đến có 8 cửa biển.
Câu đối ở cổng tam quan đền Đồng Bằng:
Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích
Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh.
Dịch:
Bậc thượng thần bốn nghìn năm đất nước, rồng bay biển Bát truyền tích lạ
Xuất thế gian mười tám hiệu triều Hùng, hổ chầu sông Đào nổi linh thiêng.
Căn cứ vào việc Vua Cha Bát Hải Động Đình đánh Thục giúp Hùng Vương thứ 18 mà các tác giả trước đây cho rằng chuyện này xảy ra vào cuối thời Hùng, cách đây chỉ có 2000 năm. Câu đối trên đọc kỹ cho thấy thông tin hoàn toàn khác. Bát Hải Động Đình đã là thần từ 4000 năm nay và xuất thế vào thời 18 đời Hùng Vương.
Trong câu đối trên Bát Hải là địa danh chứ không phải tên người. “Rồng bay biển Bát” chỉ tích Hoàng Xà xuất hiện ở vùng biển. Đối lại, “hổ chầu sông Đào” chỉ các vị Quan lớn dưới trướng Vĩnh Công. Bát không phải là số 8 (trong 8 cửa biển) mà là con số chỉ phương Đông của Hà Thư. Bát Hải là chỉ biển Đông ngày nay. Bát Hải Động Đình là vua biển Đông.
Truyền thuyết về nguồn gốc Mẫu Thoải, người cai quản Thủy phủ trong đạo Mẫu, cho thông tin về Long vương Động Đình:
 - Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở Ðộng Ðình hồ, gặp Kinh Dương Vương đi tuần thú phương nam, hai người kết hôn, sinh ra Lạc Long Quân, thuỷ tổ của tộc Việt.
- Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở hồ Ðộng Ðình, lấy Kinh Xuyên, sau bị vợ hai của Kinh Xuyên là Thảo Mai đố kỵ, vu oan, nên bị chồng nhốt cũi bỏ vào rừng cho thú ăn thịt nhưng Bà được cứu thoát, đới sau kính phục đức độ của Bà, suy tôn là Mẫu Thoải.
Hai truyền thuyết trên chỉ là một vì Xuyên = Giang = Dương. Kinh Xuyên = Kinh Dương Vương.
Mẫu Thoải là người đã kết hôn với Kinh Dương Vương, sinh ra Lạc Long Quân. Tới đây thì thấy rõ Vua cha Bát Hải Động Đình chính là Thần Long Động Đình trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng, là ông ngoại của Lạc Long Quân. Câu hỏi về đạo Mẫu được giải đáp. Đạo Mẫu không phải chỉ là đạo thờ các bà mẹ với nguyên lý của thời mẫu hệ, mà là đạo khai mở từ đức Lạc Long ở biển Đông, tôn thờ dòng tộc Động Đình bên ngoại của mình.
Cũng vì thế mà quốc mẫu Âu Cơ không được xếp thành thánh Mẫu nào cả trong hệ thống Tứ phủ vì Âu Cơ là cháu Đế Nghi, Đế Nghi là anh trai của Lộc Tục – Kinh Dương Vương. Âu Cơ là bên họ nội của Lạc Long Quân.

Câu đối ở cột đá trên đền Hùng – Phú Thọ:
Vân ám Động Đình long đồ giáng
Nguyệt khoa Lĩnh biểu hạc qui lai.
Dịch:
Mây phủ Động Đình Rồng xuất thế
Trăng soi Nghĩa Lĩnh Hạc bay về.
Câu trên mỗi chỗ chép một khác nhưng chắc chắn bắt đầu bằng “Vân ám Động Đình”, là nơi cha Rồng xuất hiện. Trong truyền thuyết Lạc Long Quân luôn gắn liền với quê mẹ ở Động Đình. 50 người con theo cha xuống biển tức là về quê ngoại ở biển Đông. Điều này giải thích vì sao tín ngưỡng Tứ phủ và vua cha Bát Hải lại được người Việt coi trọng như vậy.

Câu đối ở điện thờ Vua cha Bát Hải tại đền Đồng Bằng:
Bình Thục trứ nguyên huân, mỹ tai Hồng Lạc sơn hà, bi kệ trường minh Đào Động miếu
Lịch triều long tự điển, tế thử Á Âu phong hội, sương uy do tại hải môn thu.
Dịch:
Trải triều đại thịnh dày năm xưa, đúng đây hội tục Á Âu, màn uy còn tại tiết thu cửa biển
Dẹp quân Thục công đầu tiếng nổi, đẹp thay Lạc Hồng sông núi, bia đá mãi sáng nơi miếu Động Đào.

Đào Động – Hoa Đào trang là đất của Vua cha Bát Hải Động Đình. Cũng ngay gần đền Đồng Bằng, bên huyện Thái Thụy của Thái Bình, trong thần tích đền Bà Chúa thờ Vương Chiêu Quân thời Tây Hán cho biết vùng này xưa được gọi là “Phủ Hạ bát đụn tang”. Chữ “bát” ở đây cũng tương tự như trong Bát Hải, là con số chỉ phương Đông. “Phủ Hạ bát đụn tang” phải hiểu là Gò đất lớn ở phía Đông của nhà Hạ.
Đào – Hoa – Hạ chỉ là một, chỉ vùng đất xứ nóng. Lạc Long Quân ở đất Đào hay Hoa Hạ, thật quá chính xác. Nếu Tản Viên – Kinh Dương Vương là Hạ Vũ trị thủy thì Lạc Long Quân chính là Hạ Khải của Hoa sử. Sau thời kỳ biển tiến, gây cơn đại hồng thủy thời Hạ Vũ, nước biển rút xuống, hình thành “Đồng Bằng” châu thổ sông Hồng (Đào giang). Lạc Long Quân cùng 50 người con tiến xuống chinh phục vùng Đồng Bằng ven biển Động Đình, khai mở nhà Hạ của Hoa sử.

Tới đây ta chợt hiểu bài ca dao:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường thức đủ năm canh
Tiết trời thu lảnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bổng bồng bông, bổng bồng bông
Võng Đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên.

Nếu lấy 2 câu đầu và cuối:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ…
Võng Đào mẹ bế con rồng cháu tiên.

Thì thật rõ ràng đạo Mẫu của Việt Nam bắt đầu từ Động Đình thời Đào – Hoa – Hạ của Lạc Long Quân.
Câu đối ở chính điện đền Đồng Bằng:
Phù dực Hùng triều, Đào lãng ân lưu giang dĩ Bắc
Thái bình Thục lỗ, Động thiên uy chấn hải chi Nam.
Dịch:
Phò giúp triều Hùng, sóng Đào lưu ơn nơi sông Bắc
Dẹp yên giặc Thục, trời Động oai nổi chốn biển Nam.
“Động thiên”
Thêm một lần nữa cho thấy “Động” không phải là từ chỉ đơn vị hành chính mà là tên riêng, chỉ phương Đông.

Vấn đề hóc búa nhất khi giải mã truyền thuyết này: Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đã giúp vua Hùng đánh giặc Thục, tuyển mộ các vị quan lớn từ Quan đệ nhất, Quan đệ nhị, Quan đệ tam,… đều là của thời Hùng đánh Thục. Vua Bát Hải Động Đình đã xác định là thời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân cách đây 4000 năm. Vậy làm sao có thể là thời Hùng Vương 18 đánh Thục? Thời Thục An Dương Vương chỉ mới cách đây hơn 2000 năm. Cũng tương tự nhiều thần tích chép Tản Viên Sơn Thánh trị thủy từ thủa hồng hoa lại giúp vua Hùng đánh Thục ở cuối triều Hùng, thật vô cùng kỳ bí.
Chỉ khi nhận ra Tản Viên là Hạ Vũ, Lạc Long Quân là Hạ Khải thì vấn đề trên trở nên sáng tỏ. Cuộc chiến Hùng – Thục thứ nhất mà phần thắng thuộc về Hùng vương không phải ở thời Thục Phán An Dương Vương mà là cuộc tranh giành vương vị của Hạ Khải với con cháu của dòng Đế Nghiêu (Đế Nghi) cách đây 4000 năm. Kết quả ông Bá Ích phải dẫn dòng họ Cơ của Hùng Vũ chạy lên đất Kỳ Sơn. Con cháu họ Cơ sau này là Chu Văn Vương – Chu Vũ Vương làm nên cuộc chiến Hùng – Thục thứ hai, với phần thắng thuộc về nhà Chu Thục trước Ân Trụ Vương cách đây 3000 năm.
Mọi việc trở nên thật rõ ràng. Tản Viên Sơn Thánh là Hạ Vũ, tổ của nhà Hạ nên truyền thuyết mới chép Thánh Tản giúp vua Hùng đánh Thục. Thực ra người đánh Thục là con của Hạ Vũ, là ông Khải – Lạc Long Quân. Nhưng vì Tản Viên – Hạ Vũ là ông tổ đầu tiên của nhà Hạ nên truyền thuyết vẫn chép vào thành Sơn Tinh đánh Thục.
Cuộc chiến Hùng - Thục thứ nhất này còn thể hiện ngay trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng khi Lạc Long Quân và Âu Cơ “thủy hỏa xung khắc”, chia đàn con Bách Việt thành 2 nhánh. Nhánh theo mẹ Âu Cơ lên rừng lập nước Văn Lang, đô ở Phong Châu là nhánh Thục. Nhánh theo cha Lạc Long xuống biển Động Đình, xây dựng Hoa Đào trang.
Lạc Long Quân nhờ sự giúp đỡ của bên ngoại ở Động Đình phía Đông đã làm cuộc “đảo chính”, đánh nhóm dòng tộc phía Tây (Thục), lập nên nhà Hạ. 10 vị Quan lớn của Tứ phủ hẳn là các quan trấn giữ các vùng dưới triều Hạ. Do đó, bên ngoại Lạc Long Quân đã được tôn thờ trong Đạo Mẫu. Dấu vết nhà Hạ để lại chính là cả một hệ thống đạo Mẫu cổ xưa với đầy đủ nghi lễ, thứ bậc và chỉ có ở Việt Nam. Đạo Mẫu xuất hiện từ thời Lạc Long Quân, tức là còn có trước Đạo Giáo của Lão Tử hình thành thời Chu Thục sau này. Đạo Mẫu không phải là tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo như vẫn nghĩ. Tuy nhiên cả 2 đều coi Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức là Hoàng Đế Hiên Viên ở ngôi cao nhất. Đây là 2 tín ngưỡng của nhà Hạ và nhà Chu khác nhau nhưng có chung một nguồn gốc dân tộc từ thời Hùng Vũ (vua Hùng).

Câu đối ở đền Đồng Bằng:
Bát Hải linh từ, đại đế phong thần lưu thiên cổ
Động Đào cố địa, phù Hùng hiển thánh chấn Tam Giang.
Dịch:
Đền linh Bát Hải, đế vương phong thần lưu nghìn thủa
Đất cũ Động Đào, giúp Hùng hóa thánh nổi Tam Giang.
Tam Giang là tên cũ chỉ nước Việt, nơi có 3 con sông Đà Lô Thao gặp nhau ở ngã ba Bạch Hạc.

Thật kỳ lạ, trong truyền thuyết Việt có đầy đủ mọi thứ của Hoa sử, khớp tới từng chi tiết. Nhà Hạ, thời kỳ đầu lịch sử của người Hoa, bắt đầu chính từ vùng Đồng Bằng ven biển Động Đình. Nay năm Nhâm Thìn 2012, cha Rồng lại xuất hiện trên biển Bát. Lịch sử 4000 năm của người Việt sẽ được trả về đúng chủ nhân của nó.

Văn nhân góp ý:
...Đào Động – Hoa Đào trang là đất của Vua cha Bát Hải Động Đình... đọc bài viết rồi mới nhận ra ... chữ Hoa và chữ Hải đã nằm sẵn trong danh xưng: Hùng Hoa vương - Hải lang.
Bài viết thực quan trọng đối với Sử thuyết Hùng Việt ... xin cảm ơn Bách Việt 18.

Theo Mantico

Quốc Mẫu Tây Thiên_Cửu Thiên Huyền Nữ

Tục thờ Tây Thiên Quốc mẫu rất phổ biến ở vùng núi Tam Đảo. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc có tới trên 50 nơi khác nhau thờ Mẫu Tây Thiên. Sự tích về Quốc Mẫu tóm tắt như sau:
Thời Hùng Vương ở đạo Sơn Tây, Đoan Hùng phủ, Tam Dương Động, Đông Lộ trang có gia đình sinh một người con gái đặt tên là Lăng Thị Tiêu. Lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, giỏi giang hiền thục. Đời Hùng Vương thứ bảy là Lang Liêu lên nối ngôi. Có lần vua Hùng Chiêu Vương (Lang Liêu) đi cầu tiên phật ở núi Tam Đảo đã gặp người con gái này và đưa về triều làm Chính phi. Nàng đã hết lòng yêu quí Hùng Chiêu Vương và đem tài năng của mình ra thi thố, giúp chồng trị quốc.
 
Khi nước Văn Lang bị giặc nhà Thục đe dọa, đem quân vây hãm kinh thành. Lăng Thị Tiêu đã chiêu mộ binh sỹ kéo về Phong Châu đánh tan quân địch, giải cứu triều đình. Khi nàng mất, được các triều vua phong là Tây Thiên quốc mẫu.
Mối tình giữa Lang Liêu và vị nữ thần núi Tam Đảo đã được lưu truyền như một huyền thoại đẹp thời Hùng Vương.
Hiện tại ở vùng Tam Đảo còn có cả một hệ thống các điện thờ liên quan tới Quốc Mẫu Tây Thiên. Nơi Mẫu sinh và Mẫu hóa nằm ở xã Đại Đình. Ở Đại Đình còn có Đền Thỏng là Hữu thần cung của Mẫu. Gần đó là xã Tam Quan nơi có Tả thần cung và Trung thần cung ở thôn Quan Ngoại. Qua Tam quan thì đến Đại đình … Hệ thống địa danh chỉ “cổ tích” rất rõ.
Đền Quốc Mẫu Tây Thiên
Câu đối ở đền Thỏng ở di tích Tây Thiên:

Thạch lộ phó Tây Thiên, linh địa tồn danh tiên giáng
Cao sơn đăng Phù Nghị, cổ đài ký lập mẫu nghi.

Dịch:
Đường đá tới Tây Thiên, đất thiêng còn danh tiên hạ thế
Núi cao lên Phù Nghị, đài xưa ghi lập mẫu oai nghiêm.
Chỗ khó giải thích của truyền thuyết Tây Thiên Quốc Mẫu là Mẫu Lăng Thị Tiêu đã giúp vua Hùng đánh Thục. Thông thường, đây phải là vào đời vua Hùng cuối cùng (thứ 18) thì mới có giặc Thục (Thục Phán). Nhưng trong truyền thuyết ở Tam Đảo thì Lăng Thị Tiêu lại lấy Lang Liêu là đời vua Hùng thứ bảy. Vậy giặc Thục đây là Thục nào?
Để nhận diện đúng chuyện Tây Thiên Quốc Mẫu cần so sánh với các truyền thuyết khác trong tín ngưỡng dân gidan, trong thần thoại và huyền sử Trung Hoa.
So sánh với hệ thống Tứ phủ thì thấy Tây Thiên quốc mẫu chính là Mẫu cửu trùng hay Mẫu thượng thiên, thần chủ của Thiên phủ. Cửu là số 9, chỉ hướng Tây nên Mẫu cửu trùng tương đương với Mẫu Tây thiên.
Tư liệu của GS Ngô Đức Thịnh cũng cho biết Mẫu Tây Thiên khi giáng đồng thường với tư cách của Mẫu đệ nhất thượng thiên. Mẫu thượng thiên là Mẫu cửu trùng chứ không phải Mẫu Liễu Hạnh. Các cung thờ ở Tây Thiên đều đặt Mẫu Tây Thiên ở vị trí cao nhất trong điện (vị trí của Mẫu thượng thiên), hai bên là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng ngàn. Vậy là đã rõ nguồn gốc của Mẫu thượng thiên, chính là vị nữ thần núi Tam Đảo (Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu).
So sánh với huyền sử Việt thì nàng Lăng Thị Tiêu là Lang Tiên, hay Vua Tiên, tương ứng với con gái bà Vụ Tiên trong Truyền thuyết họ Hồng Bàng:
“Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh, lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về sinh ra Lộc Tục.”
Núi Ngũ Lĩnh ở đây là núi nào?
Ở Tây Thiên dân gian có câu:
Núi thờ cha Tản Viên
Núi thờ mẹ Tây Thiên
Đều hướng về Ngũ Lĩnh
Thờ núi Tổ linh thiêng.
Ngũ Lĩnh chính là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ vua Hùng ngày nay ở Phú Thọ.
Tản Viên là thần chủ Nhạc phủ ở núi Tản. Lăng Thị Tiêu là mẫu chủ của Thiên phủ ở Tam Đảo. Ngũ Lĩnh nghĩa là núi nơi có vua (Ngũ là số 5, chỉ vua, không phải 5 ngọn núi) Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Thiên Nam ngữ lục chép đoạn này về Đế Minh như sau:
Đương thời giữa thủa Đế Minh
Chí khôi đại nghiệp ra danh cõi ngoài
Nhân nhàn xa giá đi chơi
Nam tuần xảy gặp một người thiếu niên
Xưng danh là ả Khương Tiên
Có tinh Cửu vĩ là em ngoan ngùy.
Như vậy con gái bà Vụ Tiên ở đây gọi là Khương Tiên. Tiên là số 1, chỉ hướng Nam (xưa). Khương là tính chất của phương Tây nên Khương Tiên đồng nghĩa với Tây Tiên = Tây Thiên Lăng Thị Tiêu.
Vì Đế Minh là Ngọc Hoàng thượng đế, cai quản thiên phủ nên Lăng Thị Tiêu – Khương Tiên là Mẫu thượng thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Lý do mà Lăng Thị Tiêu được tôn làm Quốc mẫu là vì đã giúp vua Hùng đánh Thục. Trận chiến Hùng – Thục này là một trận chiến khác hoàn toàn với 2 cuộc chiến Hùng Thục thời Bát Hải Động Đình (Lạc Long – Âu Cơ) và Thục Phán An Dương Vương. Khi đã xác định Quốc mẫu Tây thiên là Mẫu Cửu trùng thì cuộc chiến Hùng Thục này phải xảy ra vào thời Hoàng Đế (Ngọc Hoàng thượng đế).
Huyền sử Trung Hoa chép:
Trận đánh dữ dội quyết định sự thắng bại giữa Hiên Viên với Xuy Vưu xảy ra ở Trác Lộc. Sương mù dày đặc, quân Hữu Hùng Thị bị Xuy Vưu vây chặt, không nhận định được phương hướng đánh ra giải vây, nên thường bị Xuy Vưu đánh bại phải tháo lui. Sự thảm bại của Hữu Hùng Thị thấy rõ trước mắt.
Trong lúc nguy cấp như thế, đấng Cửu Thiên Huyền Nữ hiện ra dạy Hữu Hùng Thị chế ra xe hai bánh chỉ Nam, có bộ phận chỉ rõ hướng Nam, để phân định phương hướng và vị trí tiến quân, lại dạy cho binh pháp. Nhờ vậy, Hữu Hùng Thị củng cố binh mã, từ trong đánh ra bất ngờ, làm cho binh đội Xuy Vưu thảm bại, bắt sống được thủ lãnh Xuy Vưu đem giết chết.
Thế là yên giặc, tất cả dân chúng các bộ lạc đều hoan nghinh Hữu Hùng Thị, tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi Minh chủ, lấy hiệu là Hoàng Ðế.
Sau đó, Ðấng Cửu Thiên Huyền Nữ cũng thường ứng hiện giúp vua Hoàng Ðế và những người hiền tài trong nước, như giúp Hoàng Hậu Nguyên Phi chế ra nghề nuôi tằm lấy tơ dệt lụa, giúp ông Dung Thành chế ra máy Cai Thiên để xem Thiên tượng, giúp ông Thương Hiệt chế ra chữ viết tượng hình để thay cho việc thắt nút ghi nhớ các sự việc. Ngoài ra Ðấng Cửu Thiên Huyền Nữ truyền khoa Lục Nhâm Ðộn Giáp, và phép bói 64 quẻ Dịch mà đoán kiết hung.
Quốc Mẫu Tây Thiên chính là Cửu Thiên Huyền Nữ (Mẫu cửu trùng). “Giặc Thục” ở đây là bộ tộc phía Tây do Xuy Vưu lãnh đạo. Bộ tộc Hữu Hùng Thị của Hiên Viên như vậy đã được bộ tộc ở phía Nam (xưa) là Lang Tiên Thị (Lăng Thị Tiêu) giúp khi đánh bộ tộc phía Tây (Cửu Lê) của Xuy Vưu. Cửu Thiên Huyền Nữ còn là người đem lại nhiều sáng chế đến cho vua Hùng như Kim chỉ Nam, dịch học, chữ viết,… Với công lao to lớn thời lập quốc họ Hùng như vậy hiển nhiên Lăng Thị Tiêu được tôn làm Quốc mẫu và chiếm ngôi thượng thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Các khu vực là nơi Mẫu sinh và Mẫu hóa ở Tam Đảo ngày nay lại là các làng của người dân tộc Sán Dìu. Bản thân những người dân tộc này tham gia lễ hội Tây Thiên với vai trò chủ nhân văn hóa và coi bà Lăng Thị Tiêu như vị Mẫu thần của dân tộc mình. Đây không phải là “sự tích hợp văn hóa liên tộc người”. Rất có thể người Sán Dìu là một bộ phận trong bộ tộc Lang Tiên Thị xưa ở chính vùng núi Tam Đảo này.
So sánh với thần thoại Trung Hoa thì Tây Thiên Quốc Mẫu còn là bà Tây Vương Mẫu.
Thần thoại Trung Hoa cho biết Tây Vương Mẫu là Dao Trì Kim Mẫu, cai quản núi Tây Côn Lôn , cùng với chồng là Hạo Thiên Thiên Đế cai quản Thiên đình.
Dao Trì tức là Giao Chỉ, là chỗ trung tâm của thiên hạ thời Hùng. Núi Côn Lôn của Tây Vương Mẫu như vậy là núi Tam Đảo.
Tây Vương Mẫu còn được 3 con chim Thanh Điểu thay nhau mang thức ăn tới. Ba con chim này sống ở trên núi Tam Nguy, ở phía Tây của núi Côn Lôn. Núi Tam Nguy gồm ba ngọn, cao vút xuyên qua cả mây trời nên mới có tên như vậy.
Tam Nguy của Tây Vương Mẫu chính là 3 ngọn của núi Tam Đảo luôn khuất trong mây trắng.
 
Tây Thiên _Tam Đảo trong mây

Việc xác định Tây Thiên quốc mẫu là Tây Vương Mẫu cũng giải đáp nốt truyền thuyết về mối tình Lang Liêu với nữ thần Tam Đảo.Lang Liêu hay Hùng Chiêu Vương ở đây không phải là vị Lang Liêu làm bánh chưng bánh dày, chế tác dịch học (Chu Văn Vương). Lang Liêu với nghĩa là vua người Liêu, cùng với tên Hùng Chiêu Vương, là chỉ một vị vua thời Tây Chu (khi nhà Chu còn đóng ở đất Liêu – Di Lão).Đây là chuyện Chu Mục Vương, vị vua thứ 5 của nhà Chu đã cưỡi xe bát mã lên núi Côn Lôn, tìm được cung điện ngọc của Hoàng Đế và gặp Tây Vương Mẫu. Núi Côn Lôn là núi Tam Đảo nên Chu Mục Vương hay vua người Liêu (Lang Liêu) đã gặp nàng tiên núi Tam Đảo ở đây.Trong tín ngưỡng, văn hóa dân gian Việt Nam lại luôn gặp những truyền thuyết, huyền thoại của Trung Hoa. Ta chép của Tàu chăng? Không phải. Ông Trời luôn có mắt. Cái gì của người Việt thì sẽ trở về với người Việt.Muốn gặp “Mẹ trời” đối với người Việt thật không khó. Núi Tam Đảo – Côn Lôn vẫn còn đó. Tục thờ Tây thiên Quốc mẫu vẫn còn đó. Thần tiên chẳng ở đâu xa. Cỗ xe 8 ngựa của Chu Mục Vương chỉ là hình tượng của trí tuệ và thành tâm mà thôi. Có tâm có trí thì sẽ gặp được Trời. Cái lý “con cóc” lên giời của người Việt là như vậy.
Theo Bachviet18/Trang chuyên khảo về lic̣h sử và văn minh Hùng Việt