(Petrotimes) - Được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
(VH-TT&DL) công nhận là văn hóa phi vật thể, đồng thời đang chuẩn bị
hồ sơ trình lên UNESCO để công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng
dưới con mắt của nhiều người, hầu đồng vẫn là mê tín dị đoan và chỉ tồn
tại trong giới “ông đồng bà cốt” mà không được xem là một sinh hoạt văn
hóa tín ngưỡng dân gian. Vì sao lại như vậy và làm thế nào để hầu đồng
trở về với đúng bản chất văn hóa của nó? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi
với GS Ngô Đức Thịnh, một nhà nghiên cứu đã hơn 30 năm về vấn đề này,
đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Bộ
VH-TT&DL về vấn đề này.
Xuất thần để thông linh
- Người ta nói hiện nay đang là “mùa tiệc bóng” và càng tiến
tới tháng 3 thì “mùa tiệc” này càng lên đến đỉnh điểm phải không thưa
ông?
GS Đức Thịnh |
- “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” nên từ giờ đến hết tháng 3
âm lịch hầu đồng sẽ rất rộn ràng, nhộn nhịp ở khắp các tỉnh thành chứ
không riêng địa phương nào. Từ đầu Xuân tới giờ, tôi đã được mời tham dự
rất nhiều buổi hầu đồng và đó được xem như là con làm giỗ “Mẹ”. Mà con
chính là các thanh đồng và “Mẹ” là Mẫu theo tín ngưỡng dân gian.
- Nhưng thưa ông, “Mẫu” gồm cả một hệ thống đạo Mẫu chứ
không phải riêng “Mẫu”, trong đó có tam phủ, tứ phủ, hệ thống những tiểu
thần linh…?
- Có thể phân chia đạo Mẫu thành những hệ thống như thế này: Thứ
nhất gồm các Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (cai quản trời, mặc áo đỏ), Mẫu Địa
(cai quản đất, mặc áo vàng), Mẫu Thượng ngàn (cai quản rừng núi, mặc áo
xanh) và Mẫu Thoải (cai quản sông nước, mặc áo trắng). Trong đó Mẫu
Thượng Thiên là lớn nhất, được xem như vị giáo chủ cai quản chung. Nhiều
tài liệu cho rằng, Mẫu Thượng Thiên chính là bà chúa Liễu Hạnh, một
trong “tứ bất tử” của lịch sử Việt Nam.
Sau đó, đến hệ thống Ngũ vị Tôn ông, gồm những vị thần linh quyền năng
vô lượng, có trách nhiệm “hiện thực hóa” những ý đồ của Mẫu và họ chính
là những nhân vật được lịch sử hóa hoặc thần thánh hóa. Rồi đến hệ thống
tứ phủ Chầu (chúa) bà và tứ phủ ông hoàng - chính là ông Hoàng Ba, ông
Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười và ông Hoàng Bơ. Đây là những vị thần linh có
chức năng phát huy sáng tạo vào đời sống thực tế.
Cuối cùng là hệ thống những tiểu thần linh, được hưởng thành quả sáng
tạo của những thần linh thuộc 3 hệ thống trên, còn gọi là Cô và Cậu. Hệ
thống những tiểu thần linh này được xem là những vị thần đầy trí tuệ,
thiện tâm. Sau khi chết đi được tái sinh vào không gian của Mẫu, chủ yếu
là vùng rừng núi (do đây là nơi thường để chôn cất những người chết)
nên Cô và Cậu gắn với Mẫu Thượng ngàn. Cũng chính bởi “xuất thân” như
vậy mà Cô, Cậu chính là hiện thân của đạo và đức.
- Vậy theo ông, đạo Mẫu và hầu đồng liên quan mật
thiết với nhau như thế nào trong khi đây lại là hình thức diễn xướng như
văn nghệ?
- Theo quan niệm của người Trung Quốc xưa: “Phúc - Lộc - Thọ”
bao giờ cũng gắn với nhau và đó cũng là sự trọn vẹn của một con người
trong đời sống. Người ta hầu đồng một phần vì mục đích này nhưng quan
trọng hơn chính là để đưa thế giới thần linh du nhập vào đời sống thực
tại và đưa những “người trần mắt thịt” ở thế giới thực tại chu du trong
thế giới của thần linh dưới trạng thái siêu thoát.
Trạng thái siêu thoát là thế nào? Là khả năng “thoát xác” quên đi cuộc
sống thực tại của con người để tiếp cận được những bồng bềnh hư ảo ẩn
chứa trong tâm hồn và tư duy của họ. Còn có thể hiểu theo cách này mà
tôi cho là cũng đáng tham khảo: định nghĩa chữ “hầu đồng”. “Hầu” đơn
giản là: hầu hạ. “Đồng” đa nghĩa hơn với 2 cách hiểu: nhi (trẻ con) hoặc
“cùng”. Nếu hiểu theo nghĩa “trẻ con” thì khi hầu (thanh đồng, con
đồng) đắm chìm trong tư duy tín ngưỡng để sao cho quên đi những dày vò
trong cuộc sống để trở về với tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, không bị
vướng bận bởi tất cả những tư duy triết học ở những mức độ khác nhau và
cả sự dày vò của xã hội.
Đây chính là hiện tượng “yoga” dân dã và chỉ khi đạt được như vậy mới
nghe thấy tiếng thì thầm của vũ trụ hay thì thầm của thần linh. Còn chữ
“đồng” nếu hiểu theo nghĩa “cùng” có nghĩa thông qua cái xuất thần, đẩy
linh hồn cá thể ra khỏi xác thân để cho linh hồn thánh thiện (chính là
thần linh) nhập về thân xác đó mà tiếp cận với các tín đồ. Như vậy,
“đồng” là hình thức “vừa xuất thần vừa nhập thần”.
- Ông có thể cho biết vì sao lại chọn “diễn xướng” cho hình thức “hầu đồng”, liệu có phải để trạng thái siêu thoát đến nhanh hơn?
- Từ sự hình thành có thể thấy, đạo Mẫu gắn liền với sự phát
triển của dân tộc, là chứng cứ lịch sử phản ánh rõ rệt những đổi thay cơ
bản của dân tộc Việt từ vùng rừng núi ra tới biển, từ nguyên thủy tới
văn minh. Nó vừa mang tính dân dã, vừa mang tính truyền thuyết, vừa thực
vừa hư… Bởi sự đan xen các yếu tố như vậy, đặc biệt là các thần linh ra
đời dựa trên nguyên tắc lịch sử hóa và thần thánh hóa những nhân vật
lịch sử nên dân gian đã sáng tạo ra hình thức diễn xướng có tính chất
văn nghệ để kể hay đúng hơn là “giáo dục” đạo đức, lịch sử cho dễ nhớ,
dễ hiểu. Theo tôi, đây là một hình thức vô cùng hiệu quả và đậm bản sắc
văn hóa dân gian.
“Vật chất hóa” hầu đồng
- So với nguồn gốc cũng như ý nghĩa ban đầu thì bây giờ hầu
đồng đã biến tướng rất nhiều, ngay từ mục đích, không còn mang ý nghĩa
làm thanh khiết bản thân hay “gột rửa” tâm hồn cho trong sạch. Ông có
nghĩ như vậy không?
- Tôi rất buồn phải nói rằng 80% nghi lễ này hiện nay là biến
tướng. Biến tướng nghiêm trọng. Hoàn toàn “vật chất hóa” từ đầu đến
cuối. Cách đây khoảng hơn chục năm, khi nghi lễ này vẫn còn “sạch”, hầu
đồng chỉ diễn ra quy mô đúng là “tùy tâm biện lễ”, không hoành tráng, đồ
sộ từ lễ vật, vàng mã đến tiền phát lộc (vì trong nghi lễ hầu đồng có
phần phát lộc)… Quần áo để hầu cũng đơn giản, không cầu kỳ, đắt tiền như
hiện nay, cốt sao đủ một bộ khăn, áo, mũ… đúng màu sắc cho mỗi giá hầu…
Nhưng hiện nay thì cái gì cũng phải to, phải lớn, ngay như ngựa, voi
làm bằng mã cũng phải đúng kích cỡ như thật, tiền phát lộc không còn là
“bạc lẻ” gọi là tượng trưng nữa mà mệnh giá tiền phải lớn. Lễ vật phải
nhiều… Tất cả chỉ vì họ nghĩ rằng “tốt lễ dễ kêu”. Đặc biệt là tầng lớp
thương mại, còn làm biến tướng nghi lễ này khi không quan tới Mẫu Địa mà
chỉ quan tâm tới Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải vì quan niệm đây là những
vị thần tài mang đến “tiền rừng bạc bể”. Quan niệm về hầu đồng còn bị
họ biến tướng đến mức thế này: “Thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng
quan”…
Bây giờ "đồng đua" nhiều hơn "đồng nhập"
- Rặt chỉ thấy tiền bạc đúng không thưa ông?
GS Đức Thịnh: Đúng vậy. Không còn mang giá trị tinh
thần nữa. Tôi vừa dự một buổi hầu đồng có trị giá hơn 100 triệu đồng. Vì
tính riêng tiền quần áo đã đến cả chục triệu đồng/bộ, lại có khoảng 4-5
bộ. Nói chung thấy lãng phí vô cùng.
- Tuy nhiên, theo ông biến tướng nhất trong hầu đồng là gì?
- Chính là sự trục lợi. Trục lợi ở chuyện đồng bói và “xin lộc”.
Nghĩa là những người hầu (hầu đồng) lợi dụng chuyện thực thực hư hư của
việc thần thánh nhập để bói toán (thánh phán) nhằm kiếm tiền từ những
người tham dự hoặc những người tham dự càng đóng góp nhiều tiền thì sẽ
được phát “lộc” càng to. Làm ăn phát đạt, kiếm bộn tiền… Cho nên sự trục
lợi này đã biến hầu đồng từ một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thành mê
tín dị đoan.
- Vậy ông có thể cho biết vì sao lại dẫn đến sự trục lợi ấy để rồi làm hầu đồng biến tướng?
- Bao giờ cũng vậy, trải qua quá trình thay đổi, phát triển của
dân tộc, xã hội thì hầu đồng cũng có những chuyển biến theo, có thể
theo chiều hướng tích cực nhưng cũng có thể theo chiều hướng tiêu cực.
Hầu đồng theo tôi hiện nay bị biến tướng theo mặt trái của nền kinh thế
thị trường, đặc biệt là khi đạo Mẫu rất phát triển ở những thành phố
lớn. Ở vùng nông thôn hiện nay, theo nghiên cứu của tôi thì sự biến
tướng không như ở thành phố, những khu vực đô thị.
- Thưa ông, nói vậy nghĩa là ở những nơi kinh tế càng phát triển thì hầu đồng càng biến tướng?
- Kinh tế do con người làm ra và xã hội cũng do con người tạo
nên, nên chính ở đây phải là con người, cụ thể trong hầu đồng là các
thanh đồng. Cũng bởi do biến tướng mà giới hầu đồng phần thanh đồng
thành 2 loại: đồng nhập (đồng mê) và đồng đú (đồng đua), trong đó đồng
nhập là những người hầu đồng chuyên nghiệp, có căn cốt thực sự. Còn đồng
đua, không có căn cốt nhưng hầu đồng để nhằm mục đích “vật chất hóa”.
Nhưng bây giờ do biến tướng nên đồng đú nhiều hơn đồng nhập. Và đây
chính là bộ phận có thể nói đã làm “ô uế” đạo Mẫu và ngôi nhà Mẫu.
- Nhưng làm thế nào để biết đâu là đồng nhập thưa ông?
- Để nói thành “công thức” cụ thể thì rất khó. Nhưng đồng nhập
là những người có thể nói trải qua giai đoạn rất khó khăn trong cuộc
sống về mặt tinh thần. Họ sống mà không ra sống, đúng như “bị hành”, đày
ải giữa nhân gian. Tôi đã từng chứng kiến một người ở Lạng Sơn trước
khi trở thành thanh đồng, cứ vào giữa đêm đông giá rét chị lại cởi trần
mình ra và khi thì leo lên cây ngồi hát khi thì nhảy xuống ao ngâm mình
trong làn nước lạnh như đá mà không biết thấu xương. Ai bảo chị vào nhà
chị cũng không vào. Nhưng cứ đến sáng là tự chị lại vào nhà rồi mặc quần
áo chỉnh tề như thường rồi đi làm.
Vì chị là cán bộ của một công ty. Người ta bảo, chị có căn nhưng không
ra hầu nên bị hành. Nhưng từ trước tới giờ chị và chồng có biết đồng
cốt, lễ bái là gì đâu nên cũng không hiểu việc này là gì. Đến khi tôi
đến và giải thích ngọn ngành về nghi lễ hầu đồng, thế là chồng chị bảo
“có bệnh thì vái tứ phương”, hay cứ để nhà tôi ra trình (ra hầu) đồng
xem sao”. Tôi cũng đồng tình và sau đó thì quả thật, chị hoàn toàn trở
lại bình thường, không còn bị “cơ đầy” như trước nữa.
Hay có trường hợp ở Tây Nguyên cũng vậy. Chị này cũng là kế toán của
một công ty Nhà nước. Chị được cho là người có căn mà không ra hầu nên
cũng bị “hành”, suốt ngày bỏ cơ quan, nhà cửa đi lang thang mà chẳng
biết đi đâu. Chỉ biết lúc nào về thì trông thất thần, như người “dở dở
ương ương”. Chồng chị là lãnh đạo của một cơ quan văn hóa nên nhất quyết
không cho chị trình đồng. Nhưng sau đó, tôi có gặp và thuyết phục thì
anh chồng đồng ý cho chị hầu. Cuối cùng, chị cũng trở lại bình thường.
- Ông có thể cho biết, việc này có thể hiểu như thế nào dưới góc độ khoa học?
- Cũng chẳng có gì là huyền bí cả. Thực ra họ là những người vô
cùng nhạy cảm về tinh thần, rất dễ bị mất cân bằng trong cuộc sống có
thể không vì lý do nghiêm trọng. Họ ra trình đồng và hầu đồng là để
thông qua đó cân bằng lại cuộc sống và tìm ra chính mình mà thôi. Đó là
một phương tiện để lấy lại tinh thần. Cho nên tôi cho rằng từ trình đến
hầu đồng, là một quá trình đi tìm lại chính mình. Tôi cũng đã viết cuốn
sách với tiêu đề như vậy.
- Trở lại với sự biến tướng, ông có thể cho biết làm thế nào để lấy lại văn hóa trong hầu đồng?
- Tôi gọi đó là “dọn dẹp ngôi nhà Mẫu”. Không gì bằng chính
những người trong cộng đồng ngôi nhà Mẫu mới dọn sạch được. Bởi chính
những người ấy mới biết ai là người làm biến tướng, biến nghi lễ linh
thiêng thành mê tín dị đoan để trục lợi, ai không… Từ sự nhận biết đó,
họ sẽ tuyên truyền, “gột rửa” tâm hồn của những người “tà tâm” để thay
đổi nhận thức, hành động của họ, làm sạch sẽ, văn hóa “ngôi nhà Mẫu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét